HOME    CHIA SẺ LỜI CHÚA    LINH ĐẠO    THẦN HỌC    ĐỜI SỐNG    SOME THEMES IN ENGLISH 

NHƯ THẤY ĐẤNG VÔ HÌNH     ĐIỀU CẦN BIẾT     GỢI Ý CẦU NGUYỆN     BẠN ĐƯỜNG THIÊNG LIÊNG     ĐĂNG KÝ   

 

 

TỘI (LT.45-53)

Khung cảnh

            Như thể thấy Đức Yêsu bị đánh đòn, Ngài cảm thấy rất đau. Người ta đã hành hạ và cố tình làm Ngài đau khổ ...

Ơn xin

            Xin cho mình ơn nhận biết bản chất của tội, và ơn xấu hổ ngượng ngùng vì bao nhiêu tội mình đã phạm.

Điểm

i. Không phục tùng Thiên Chúa

            Thiên thần được tạo dựng trong ân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng có một số thiên thần không tùng phục Thiên Chúa, họ muốn độc lập với Thiên Chúa, họ muốn thành tuyệt đối và tự do tuyệt đối, họ muốn bằng Thiên Chúa, họ coi Thiên Chúa là đối thủ của họ: đó là kiêu ngạo và phản loạn, và như thế là tội.

            Các thiên thần ý thức việc họ làm, một cách tự do và không hối tiếc về việc họ làm, họ chọn điều họ đã chọn một cách dứt khoát. Ngay “bây giờ”, ma qủy cũng không hối hận việc họ đã làm, và họ vẫn đang tiếp tục chọn điều họ đã chọn “ngày xưa”.

            Ngày nay, ma qủy vẫn thù ghét và chống đối Thiên Chúa như ngày xưa, và hậu qủa là hỏa ngục. Tội và hỏa ngục[1] liên hệ với nhau, đi liền với nhau như thể bóng với hình, không thể tách khỏi nhau được.

ii. Không tin vào Thiên Chúa nữa (Stk.3,1tt)

            Tội, không chỉ là không vâng lời khi ăn trái bị cấm, mà chủ yếu là không tin vào Thiên Chúa nữa, tin vào ma qủy hơn tin vào Thiên Chúa (Stk.3, 4-5), không tin Thiên Chúa yêu mình và muốn điều tốt cho mình.

            Không tin vào Thiên Chúa, không trông cậy và chờ đợi gì nơi Thiên Chúa, từ chối tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, đó là tội.

            Khi con người không tin vào Thiên Chúa, thì con người cũng không thể tin vào nhau, và nhìn nhau với cặp mắt nghi kỵ (Stk.3,12-13). “Không Trời ai sống được với ai!?”: Adam trách Evà, Evà đổ tội cho con rắn.

            Sau khi phạm tội, con người thường muốn trốn Thiên Chúa; không muốn nhận sự thật về chính mình, đổ tội cho người khác; tìm lý do biện minh.

iii. Từ chối thúc đẩy của Thánh Thần mời gọi hoán cải

            Nếu ai đó chỉ phạm một tội thôi, một cách ý thức tự do và dứt khoát, không hối hận cho đến giờ chết, thì người đó phải sa hỏa ngục, và đáng sa hỏa ngục.

            Thực ra khi phạm tội như vậy, dù người đó chưa sa “hỏa ngục”, nhưng họ cũng đang ở hỏa ngục rồi, nghĩa là, người đó đang bất hạnh và không muốn thoát khỏi tình trạng đó, dù Thiên Chúa đã bao lần đề nghị, thúc đẩy người đó trở lại với Ngài.

            Thiên Chúa không muốn con người đau khổ, Ngài muốn con người hạnh phúc. Chính con người tạo hỏa ngục cho mình, cho dù Thánh Thần Thiên Chúa đã bao lần thúc đẩy mời gọi họ trở lại với Thiên Chúa.

Tâm sự

            Nhìn Chúa Yêsu chết trên thập giá, tìm hỏi tại sao Ngài đã nhập thể, sinh ra nghèo hèn, sống đơn sơ đạm bạc, rao giảng trong cảnh nghèo, và cuối cùng chết ô nhục trên thập giá như vậy, rồi xem tôi đã làm gì cho Chúa, tôi đang làm gì cho Chúa và tôi sẽ làm gì cho Chúa?

            Hãy nói với Chúa những gì mình phải thân thưa với Chúa.

 

---------------o0o---------------

 

Bài cầu nguyện về tội của thánh Ynhã, trong sách Linh Thao, số 46-53

 

45. CUỘC LINH THAO THỨ NHẤT

suy gẫm bằng ba tài năng của linh hồn

về tội thứ nhất, thứ hai và thứ ba

Cuộc Linh Thao này gồm:

trước hết là kinh dọn lòng, hai tiền nguyện, ba điểm chính và một cuộc tâm sự.

46. KINH NGUYỆN: Kinh dọn lòng cốt xin ơn Thiên Chúa cho tất cả ý chỉ, hành vi và hoạt động của tôi hoàn toàn hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn.

47. TIỀN NGUYỆN I: Tiền nguyện thứ nhất là đặt khung cảnh, tức xem nơi chốn.

Ở đây nên chú ý rằng khi chiêm niệm hay suy gẫm những gì hữu hình, thí dụ chiêm niệm Đức Kitô Đấng hữu hình, đặt khung cảnh là lấy con mắt tưởng tượng nhìn xem nơi chốn cụ thể mà điều tôi muốn chiêm ngắm diễn ra. Tôi nói nơi chốn cụ thể, chẳng hạn một đền thờ hay một trái núi mà Chúa Kitô hay Đức Mẹ ở đó, tùy theo điều tôi muốn chiêm ngắm. Đối với những sự vô hình, chẳng hạn ở đây, về tội lỗi, thì đặt khung cảnh là lấy con mắt tưởng tượng nhìn xem và xét linh hồn tôi bị giam cầm trong thân xác hay hư nát này và cả hồn lẫn xác bị đầy ải trong thung lũng thế gian này giữa các thú vật vô tri vô giác.

48. TIỀN NGUYỆN II: Tiền nguyện thứ hai là xin Thiên Chúa điều tôi muốn và ước ao.

Điều cầu xin phải hợp với đề tài đang suy ngắm. Chẳng hạn khi chiêm niệm về mầu nhiệm Phục Sinh, thì xin đựơc vui mừng với Chúa Kitô vui mừng, nếu chiêm niệm về sự Thương Khó thì phải xin ơn buồn phiền, khóc lóc và đau khổ với Chúa Kitô đau khổ.

Ở đây phải cầu xin được lòng tự hổ thẹn và ngượng ngùng khi thấy bao nhiêu người đã bị phạt trong hỏa ngục chỉ vì một tội trọng, thế mà tôi biết bao lần đáng bị phạt đời đời vì bấy nhiêu tội tôi đã phạm.

49. GHI CHÚ: Trước mỗi lần chiêm niệm hay suy gẫm, bao giờ cũng phải đọc kinh dọn lòng và hai tiền nguyện. Kinh dọn lòng thì không đổi, còn hai tiền nguyện thỉnh thoảng có đổi tùy theo đề tài suy gẫm hay chiêm niệm.

50. ĐIỂM NHẤT: Dùng trí nhớ để nhớ lại tội đầu tiên, tội của các thiên thần, kế đó dùng trí khôn để suy xét tội ấy, rồi dùng đến ý chí. Làm như vậy để có được lòng hổ thẹn và ngượng ngùng hơn, khi đem so sánh tội độc nhất của các thiên thần với những tội vô vàn vô số của tôi. Các thiên thần đã bị phạt sa hỏa ngục chỉ vì một tội, còn tôi, biết bao lần đã đáng bị phạt như thế vì bấy nhiêu tội tôi.

            Tôi nói: nhớ lại tội của các thiên thần, nghĩa là nhớ lại các thiên thần đã được dựng nên trong ân sủng và đã không muốn dùng tự do của mình để tôn thờ và phục tùng Đấng Tạo Hóa và Chúa mình, nhưng họ đã kiêu ngạo và đã bước từ ân sủng sang sự ác và đã bị xua đuổi từ thiên đàng xuống hỏa ngục như thế nào. Đoạn dùng trí khôn để suy xét vấn đề một cách chi tiết hơn, rồi dùng ý chí để đánh động lòng mình hơn.

51. ĐIỂM HAI: Cũng làm như thế,nghĩa là áp dụng ba tài năng (của linh hồn) vào tội Adam và Eva; nhớ lại rằng chỉ vì một tội ấy, hai ông bà đã phải làm việc đền tội lâu dài thế nào, và loài người đã bị hư hỏng ra sao, cũng như biết bao nhiêu người đang đi lần xuống hỏa ngục.

            Tôi nói: nhớ lại tội thứ hai, tức là tội tổ tông chúng ta: sau khi ông Adam đã được dựng nên trong đồng “Damas” và được đặt trong vườn địa đàng, và sau khi Eva được dựng nên bởi xương sườn của ông, hai ông bà đã được lệnh cấm không được ăn trái cây biết lành biết dữ, nhưng ông bà đã ăn và như thế đã phạm tội. Bấy giờ mình mặc áo da thú, và bị đuổi ra khỏi địa đàng, hai ông bà sống suốt đời đầy gian lao và phải làm việc đền tội nặng nề vì đã làm mất nguyên sủng. Sau đó dùng trí khôn để suy xét vấn đề tỉ mỉ hơn, và dùng ý chí như đã nói trên.

52. ĐIỂM BA: Cũng làm như thế về tội thứ ba, tội riêng của một người đã phải sa hỏa ngục vì một tội trọng thôi, và của nhiều người khác kể chẳng xiết, cũng đã sa hỏa ngục vì những tội còn ít hơn tội tôi đã phạm.

            Tôi nói: cũng làm như thế về tội riêng thứ ba, tức nhớ lại trong trí sự nặng nề xấu xa của tội phạm đến Chúa là Đấng Tạo Hóa và Chúa mình; lấy trí khôn suy tưởng kẻ đã phạm tội và hành động phản lại Đấng tốt lành vô cùng đã bị phạt đời đời cách chính đáng như thế nào, và cuối cùng dùng ý chí như đã nói trên.

53. TÂM SỰ: Tưởng tượng đang ở trước mặt Đức Kitô Chúa chúng ta nằm trên Thánh Giá, tâm sự cùng Ngài: vì đâu Chúa là Đấng Tạo Hóa, Chúa đã xuống thế làm người, và vì đâu Chúa là Đấng hằng sống, Chúa đã chịu chết và chết như thế này vì tội lỗi tôi. Cũng nhìn vào chính mình tôi mà tự hỏi: tôi đã làm gì? tôi đang làm gì? và tôi phải làm gì cho Chúa Kitô. Cuối cùng nhìn Chúa treo trên Thánh Giá như thế và suy ngắm theo những điều hiện đến trong trí tôi.

54. TÂM SỰ chính là như một người bạn nói với bạn mình hay như một người đầy tớ nói với chủ mình, khi xin một ơn, khi thú một lỗi, khi tỏ bày việc mình và xin chỉ bảo. Đọc kinh Lạy Cha.

 

 

 

HOME    CHIA SẺ LỜI CHÚA    LINH ĐẠO    THẦN HỌC    ĐỜI SỐNG    SOME THEMES IN ENGLISH 

NHƯ THẤY ĐẤNG VÔ HÌNH     ĐIỀU CẦN BIẾT     GỢI Ý CẦU NGUYỆN     BẠN ĐƯỜNG THIÊNG LIÊNG     ĐĂNG KÝ   

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

phamthanhliem

jptl@jptl.org

 

 



[1] Hỏa ngục ở đây muốn chỉ tình trạng đau khổ bất hạnh hơn là một cái ngục đầy lửa, vì thiên thần thì thiêng liêng; và nếu muốn hiểu hỏa ngục  là một ngục đầy lửa, thì cũng phải hiểu hỏa ngục “thiêng liêng” trong trường hợp dành cho ma qủy này.