HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LINH ĐẠO THẦN HỌC ĐỜI SỐNG NHƯ THẤY ĐẤNG VÔ HÌNH CHIA SẺ ĐỨC TIN SOME THEMES IN
ENGLISH LỜI CHÚA NĂM A
LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C THIÊN CHÚA TỎ MÌNH
CHO DÂN NGOẠI Jptl Chúa Nhật Lễ Hiển Linh Năm B Is. 60, 1-6; Ep. 3, 2-3a.
5-6; Mt. 2, 1-12 Lễ Hiển Linh diễn tả
mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại. Ngày xưa lễ này còn được gọi là lễ
Ba Vua. Lễ Hiển Linh được cử hành rất long trọng ở Giáo Hội Công Giáo theo nghi
lễ Đông Phương, tương tự như lễ Giáng Sinh bên Giáo Hội theo nghi lễ Latin (Tây
Phương). 1. Thiên Chúa không chỉ là Thiên
Chúa của dân tộc Do Thái Dân Do Thái là dân
riêng của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã gọi Abraham, đã hứa cho ông có con cháu
được đông như sao trên trời như cát dưới biển. Thiên Chúa đã tuyển chọn dân Do
Thái là dân riêng của Ngài qua giao ước trên núi Sinai. Qua lịch sử dân Do
Thái, người ta nhận ra Thiên Chúa thương dân tộc này một cách đặc biệt, Ngài
can thiệp vào lịch sử của dân này qua việc sai gởi các thẩm phán, các vị vua
thiên sai, các tiên tri tới với dân để chăm sóc và dạy dỗ dân nhân danh Ngài. Người Do Thái khi
nhận biết họ là dân riêng của Thiên Chúa, thường gọi những dân tộc khác là dân
ngoại. Khách quan mà nói, dân Do Thái đáng tự hào vì Thiên Chúa đã tuyển chọn
họ, làm họ thành dân tư tế của Thiên Chúa, nghĩa là, dân tộc làm trung gian
giữa Thiên Chúa và các dân tộc khác cũng như toàn thể nhân loại. Họ là dân tộc
mà Đức Kitô thuộc về, và là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả con
người. Hôm nay, Lời Chúa
trong sách tiên tri Isaya cho thấy một cái nhìn mới. Thiên Chúa xuất hiện như
ánh sáng bùng lên trong bóng tối. Muôn dân tiến về Yêrusalem dâng tiến lễ vật
lên Thiên Chúa. Muôn dân cũng được tôn thờ Thiên Chúa, và như vậy, được trở
thành con dân Thiên Chúa. Đây là Tin Mừng đối với dân ngoại mà tiên tri Isaya
đã loan báo thời Cựu Ước. Thánh Phaolô cũng lập lại điều này thời Tân Ước:
“trong Đức Kitô Yêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia
nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều
Thiên Chúa hứa.” Nhờ Đức Kitô, các dân tộc khác cũng được ngang hàng với dân Do
Thái. 2. Thiên Chúa tỏ mình qua những
trung gian Qua ngôi sao, Thiên
Chúa tỏ mình cho các nhà đạo sĩ, những nhà thông thái bên Đông Phương, để họ
nhận biết Thiên Chúa. Thiên Chúa dùng mọi phương tiện để tỏ mình cho con người,
qua những công việc mà người ta đang làm. Những nhà chiêm tinh nhìn ngắm trăng
sao, và qua đó họ gặp gỡ được Thiên Chúa. Các nhà đạo sĩ này là những người
tốt. Họ đã làm như họ hiểu biết. Họ đã bỏ mọi công việc để đi tìm Đấng Thiên
Chúa tỏ lộ cho họ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hướng dẫn họ qua ngôi sao, sau khi
họ đã cố gắng làm hết sức đi tìm Đấng đó nơi những con người, cụ thể nơi Hêrôđê
và dân tộc Do Thái. Thiên nhiên có thể là những dấu chỉ và trung gian giúp con
người nhận biết Thiên Chúa. Qua các nhà đạo sĩ,
Thiên Chúa đã tỏ mình cho vua Hêrôđê và dân chúng ở Yêrusalem. Tuy nhiên, những
người này không có thiện chí và không có ao ước như ba nhà đạo sĩ. Họ chỉ xôn
xao, bàn tán, và mọi chuyện lại như thường. Riêng Hêrôđê, ông sợ em bé mới sinh
sẽ chiếm đoạt ngai vàng, nên đã thu thập thông tin nơi các đạo sĩ, không phải
để đến kính viếng như ông nói với các đạo sĩ, nhưng để có thể tru diệt em bé
“trời định” này. Thiên Chúa đã tỏ mình, nhưng con người không đủ thiện tâm và
quảng đại để đi tìm và đón nhận Ngài. Con người cũng thường là trung gian và
dấu chỉ để Thiên Chúa nói với những người khác. Tuy nhiên, con người tự do đón
nhận mặc khải của Thiên Chúa hay không. Qua công việc bổn
phận, Thiên Chúa vẫn đang tỏ mình cho tất cả mọi người. Ngài có thể tỏ mình cho
họ ngay trong công việc mỗi người đang làm. Những công việc này có thể là những
công trình khoa học nhằm giúp ích lợi cho con người, cũng có thể là những công
việc tầm thường nhằm phục vụ ích lợi của tha nhân như công tác vệ sinh nơi công
cộng. Chính Thiên Chúa đi tìm con người và tìm mọi cách để tỏ mình cho con
người. 3. Bình an dưới thế cho người
thiện tâm Dân Do Thái là dân
riêng của Thiên Chúa, là dân tư tế, là dân Thiên Chúa chọn để Thiên Chúa nói
với toàn thể các dân tộc rằng, Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Một khi
con người nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương dân Do Thái, và nhận biết Thiên
Chúa yêu thương các dân tộc khác như dân Do Thái, thì họ nhận ra Thiên Chúa yêu
thương tất cả mọi người vô cùng. Những người Do Thái
ở Yêrusalem chưa chắc đã tốt hơn ba nhà đạo sĩ, biểu trưng cho những người
thuộc các dân tộc khác. Ba vị đạo sĩ này đã vượt đường xa ngàn dặm để đi tìm
biết Đấng trời cao loan báo qua ngôi sao, trong khi những người Do Thái vẫn thờ
ơ trước tin “mừng” các nhà đạo sĩ mang lại. Qua biến cố này, người ta nhận ra
những người Do Thái không được coi thường các dân tộc khác, không được nghĩ rằng
Thiên Chúa là của riêng họ và những dân tộc khác là dân ngoại. Cũng tương tự
vậy, các Kitô-hữu không được coi thường những người không là Kitô-hữu, vì có
thể những người này cũng được Thiên Chúa tỏ lộ cho họ ngang qua những “vì sao”
khác với những gì Thiên Chúa đã tỏ lộ cho dân Do Thái và Kitô-hữu. Về khía cạnh
cá nhân, có những người không là Kitô-hữu tốt hơn một số người mang danh
Kitô-hữu; chẳng hạn, các nhà đạo sĩ đã mở lòng đón nhận Thiên Chúa hơn vua
Hêrôđê và những cư dân tại Yerusalem. Dân Do Thái xác tín
họ là dân riêng của Thiên Chúa, là dân tộc tư tế. Kitô-hữu cũng xác tín mình là
những người được Thiên Chúa yêu thương qua việc nhận biết Đức Yêsu là Đấng
Thiên Sai và là Thiên Chúa nhập thể. Tuy vậy, không gì cấm cản Thiên Chúa tỏ
mình cho những dân tộc khác và những người khác không phải là Do Thái và
Kitô-hữu, như xưa Ngài đã tỏ mình cho ba vị đạo sĩ. Thuộc dân tộc Do Thái hoặc
là Kitô-hữu chưa đủ để bảo đảm rằng một người là người tốt, hoặc tốt hơn những
người không là Do Thái hoặc Kitô-hữu. Thiên Chúa không đứng về phe phái của bất
cứ ai. Ngài là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Mọi người đều là dân của Ngài,
và Ngài yêu thương tất cả con dân Ngài. Câu
hỏi gợi ý chia sẻ 1. Theo bạn, những người
không là Kitô-hữu có được cứu độ không? Tại sao? 2. Đâu là điểm khác biệt
chính yếu giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác? 3. Theo bạn, Thiên Chúa có
yêu thương một Kitô-hữu hơn một người không là Kitô-hữu không? Tại sao? 4. Dân tộc Việt Nam biết Đức
Kitô từ khi nào? Tổ tiên cha ông chúng ta trước thời đó có được cứu độ không?
Tại sao? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LINH ĐẠO THẦN HỌC ĐỜI SỐNG NHƯ THẤY ĐẤNG VÔ HÌNH CHIA SẺ ĐỨC TIN SOME THEMES IN
ENGLISH LỜI CHÚA NĂM A
LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc các bạn an vui. phamthanhliem