HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LINH ĐẠO THẦN HỌC ĐỜI SỐNG SOME THEMES IN
ENGLISH
LỜI CHÚA
NĂM A LỜI
CHÚA NĂM B LỜI
CHÚA NĂM C
TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
ĐƯỢC DIỄN TẢ QUA TRUNG GIAN CON NGƯỜI
Jptl
Chúa Nhật hai mươi tám
thường niên năm C
2V.5, 14-17; 2Tm.2, 8-13;
Lc.17, 11-19
Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở
trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa. Ai nói mình yêu Thiên Chúa mà ghét anh
em mình, đó là người nói dối. Tình yêu đối với Thiên Chúa được diễn tả qua tình
yêu con người đối với nhau. Thiên Chúa cũng yêu thương con người qua những
trung gian của Ngài, cụ thể qua những con người sống chung quanh chúng ta.
Thay đổi con người, để có thể lãnh nhận hồng ân
Naaman trước khi xuống tắm
bảy lần ở sông Jordan, đã phẫn nộ với tiên tri Êlisa vì ông tưởng rằng tiên tri
sẽ đứng trước ông, giơ tay cầu khẩn cùng Thiên Chúa, và chữa ông khỏi. Đằng
này, tiên tri chỉ sai người nói với Naaman: “đi tắm bảy lần ở sông Jordan, thì
sẽ được sạch”. Naaman nghĩ: “Nước sông ở Đa-mát chẳng sạch hơn nước sông ở
Jordan sao?” Và Naaman đã không muốn xuống tắm.
Naaman đòi người của Thiên
Chúa phải làm theo suy nghĩ và cách thế của mình. Nhưng Thiên Chúa không muốn
thế, và người của Thiên Chúa lại không muốn vậy. Đòi hỏi để được khỏi bệnh quá
đơn giản đến độ Naaman không thể tin được, và không muốn tin. Nếu Naaman không
khiêm tốn bỏ mình để làm theo lời sứ giả của tiên tri, thì chắc ông chẳng khỏi
bệnh. Trong cuộc sống, người ta cũng thường đòi Thiên Chúa phải làm theo ý
người ta, theo điều kiện người ta đặt cho Chúa. Trường hợp của Naaman cho thấy,
nếu người ta không bỏ mình, e rằng người ta khó có thể đón nhận hồng ân của
Thiên Chúa.
Bao nhiêu yếu tố xảy đến
giúp Naaman đón nhận hồng ân: người tớ gái “quá thơ ngây” suýt gây họa cho cả
nhà vua nước mình, những đầy tớ của Naaman khuyên ông nên vâng lời vị sứ giả
của tiên tri, và cả dòng sông nước không được sạch dưới con mắt của Naaman.
Trong cuộc sống của mỗi người, dường như cũng được đan dệt bằng bao nhiêu lời,
bao nhiêu biến cố nhỏ nhỏ, để làm nên mỗi người như hiện tại. Chúng ta có nhận
ra đó là những hồng ân để tạ ơn Thiên Chúa không?
Đức Yêsu- tình yêu của Thiên Chúa cho con người
Người phong cùi, theo luật
Do Thái, không được tiếp xúc với người lành. Chính vì vậy, họ đứng đàng xa và
kêu xin Đức Yêsu thương xót, chữa lành họ. Họ đáng thương, không chỉ vì con
bệnh hành hạ làm họ đau đớn thể xác, nhưng họ còn đau khổ hơn khi phải tách
biệt với xã hội con người, với những người thân yêu: cha mẹ, vợ chồng, con cái
của họ. Đức Yêsu giúp con người giao hoà với Thiên Chúa và giao hoà với nhau.
Đức Yêsu nói với những người
phong cùi: “đi trình diện với các tư tế”. Luật Do Thái dạy những người phong
cùi thấy mình khỏi bệnh, phải đi trình diện thầy tư tế, để được xác nhận là đã
khỏi bệnh. Đang khi họ đi, họ được khỏi. Niềm tin phó thác biểu lộ qua thái độ
vâng lời Đức Yêsu, làm những người phong cùi được khỏi bệnh. Thiên Chúa đòi con
người tin tưởng và phó thác tất cả nơi Ngài. Tin tưởng phó thác tất cả nơi
Thiên Chúa, đó là dấu chỉ của những người được thương và được cứu độ.
Chỉ có mỗi người ngoại trở
lại để tạ ơn Thiên Chúa. “Chín người kia đâu? Không phải cả mười người được
khỏi sao?” Chín người kia chắc chắn được khỏi bệnh phong cùi, còn người ngoại
này không chỉ được khỏi bệnh thân xác, nhưng còn được nhiều ơn thiêng liêng
khác nữa. Nhận ra hồng ân Thiên Chúa trong đời mình, là một dấu chỉ của người
đang sống hạnh phúc.
Thiên Chúa vẫn muôn ngàn đời thành tín
“Nếu chúng ta cùng chết với
Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài”. Đi theo Đức Yêsu, đòi chúng ta phải
bỏ mình, bỏ những ham muốn của thế gian và xác thịt. Không chiều theo những ham
muốn của xác thịt và thế gian, là một cách chết cho thế gian, cùng chết với Đức
Kitô. Thiên Chúa vẫn muôn ngàn đời thành tín: nếu chúng ta chết cho thế gian
cùng với Đức Kitô, chúng ta sẽ được cùng sống lại với Ngài.
“Nếu chúng ta chối Ngài,
Ngài cũng chối chúng ta”. Sở dĩ vậy, vì nếu chúng ta cứng lòng và cố tình chối
Ngài, đứng đối nghịch với Ngài. Ngài không thể làm khác được. Thiên đàng không
thể có đối với người không muốn “lên thiên đàng”. Về phía Thiên Chúa, Ngài luôn
luôn yêu thương con người, Ngài muốn con người ở trong tình yêu của Ngài, Ngài
muốn họ “lên thiên đàng” nhưng Ngài không buộc họ phải lên thiên đàng. Nếu một
người cố tình thù nghịch Ngài, Ngài phải chịu vì Ngài đã cho con người tự do.
“Nếu chúng ta bất trung, thì
Ngài vẫn trung thành”. Nếu vì yếu đuối, chúng ta bất trung, thì Thiên Chúa vẫn
thành tín, Ngài chờ đợi chúng ta trở lại với Ngài. Tình yêu Thiên Chúa đối với
con người được cụ thể qua bí tích hoà giải, mỗi khi con người trở lại với Thiên
Chúa, đều được lãnh ơn hoà giải với Ngài qua trung gian thừa tác viên của Giáo
Hội. Hơn nữa, hối hận hay muốn trở lại, đã là hồng ân của Thiên Chúa cho tội
nhân rồi.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Xin bạn cho một vài thí
dụ cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người qua các trung gian!
2. Đức Yêsu có là diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người không? Xin
bạn chia sẻ quan điểm lập trường của bạn.
3. Với kinh nghiệm bản thân, thay đổi bản thân nên có thể đón nhận hồng ân,
hay, đón nhận hồng ân nên thay đổi chính mình? Xin bạn chia sẻ kinh nghiệm!
HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LINH ĐẠO THẦN HỌC ĐỜI SỐNG SOME THEMES IN
ENGLISH
LỜI CHÚA
NĂM A LỜI
CHÚA NĂM B LỜI
CHÚA NĂM C
phamthanhliem
jptl@jptl.org