HOME    CHIA SẺ LỜI CHÚA    LINH ĐẠO    THẦN HỌC    ĐỜI SỐNG    SOME THEMES IN ENGLISH 

HIỆN TẠI MỚI QUAN TRỌNG    BẠN ĐƯỜNG LINH THAO    ĐỂ TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC HƠN

LINH THAO MƯỜI NGÀY   LINH THAO TRONG CUỘC SỐNG   ĐẶC SỦNG DÒNG TÊN   SÁCH LINH THAO CỦA THÁNH YNHÃ

 

LINH THAO TRONG CUỘC SỐNG

Jptl

MỤC LỤC:

 

LỜI NÓI ĐẦU. 2

DẪN NHẬP. 4

LINH THAO LÀ GÌ ?. 4

MỤC ĐÍCH LINH THAO.. 4

THÁI ĐỘ CẦN THIẾT ĐỂ LÀM LINH THAO.. 4

TUẦN 1. 6

A. NGUYÊN LÝ VÀ NỀN TẢNG.. 6

a). Bài cầu nguyện dẫn nhập. 6

1. Tv.139 (138) 6

2. Hãy cởi dép khỏi chân vì chỗ ngươi đứng là nơi thánh (Xh.3,1-12) 6

3. Lòng mình như thửa đất (Mt.13,1-8. 18-23) 6

4. Đến mà xem (Yn.1,35-51) 7

5. Muốn sao thì được vậy (Mt.15,21-28) 7

b). Nguyên lý và Nền Tảng: 7

1. Con người, hình ảnh Thiên Chúa (Kn.1,1-2,4a) 7

2. Con người là gì mà Chúa để ý chăm nom?(Tv.8) 7

3. Thiên Chúa yêu tôi (Yn.3,16; 1Yn.4,9-16) 8

4. Thiên Chúa quan phòng săn sóc tôi (Mt.6,25-34) 8

5. Thiên Chúa yêu thương tôi nhờ và trong Đức Yêsu Kitô (Eph.1,3-14) 8

6. Nếu Thiên Chúa phò tôi (Rm.8,28-39) 8

7. Thái độ đối với của cải (Lc.12,13-15.16-21.22-34) 9

8. Nguyên lý và Nền Tảng (LT.23) 9

9. Chỉ có một điều cần thôi (Lc.10,38-42) 9

10. Yêu Chúa yêu người (Mc.12,28-34) 9

11. Yêu người (Lc.10,29-37) 10

GHI CHÚ.. 10

B. TÔI LÀ TỘI NHÂN. 11

1. Tội Ađam và Evà (Kn.3) 11

2. Tội Cain (Kn.4,1-16) 11

3. Tội của ma quỷ và con cái ma quỷ (Yn.8,31-51) 11

4. Ba tội (LT.45-54). 12

5. Tội tôi (LT.55-61). 12

6. Tái gẫm (LT.62-63): 12

7. Tội dân Do thái thờ bò vàng (Xh.32) 12

8. Dân Do thái vô ơn và thử thách Thiên Chúa (Xh.15,22-17,7) 12

9. Lời nguyện thống hối của kẻ lưu đày (Bar.1,15-3,8) 12

10. Nhìn lại suốt tuần. 13

11. Bất công (Amos 8,4-10) 13

12. Israel bất trung (Yer.3,1-4,4) 13

13. Tội dân ngoại (Rm.1,18-32) 13

14. Không yêu thương là tội (Mt.25,31-46) 13

15. Những người mù thiêng liêng (Yn.9,1tt) 14

16. Phạm đến Thánh Thần (Mc.3,20-30) 14

17. Tôi là tội nhân (1Yn.1,8-2,11) 14

18. Lời nguyện thống hối (Tv.51/50) 14

19. Thiên Chúa như người cha nhân từ (Lc.15,11-24) 15

20. Chị phụ nữ ngoại tình (Yn.8,1-11) 15

21. Chị phụ nữ thống hối (Lc.7,36-50) 15

GHI CHÚ: 16

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

            Từ 23.10.1984 tôi đã giúp một bạn làm linh thao trong cuộc sống. Vì bạn đó dạy học cách chỗ tôi sống gần 100 cây số, nên tôi đã ghi nhanh một số điểm gợi ý giúp bạn đó cầu nguyện. Những trang sau là các diểm gợi ý đó.

            Vì bị giới hạn thời gian và chỉ là những điểm soạn nhằm gợi ý cho một người khá thân quen, cho nên lúc đó tôi không chú ý đến câu văn và cả vấn đề văn phạm nữa. Do đó nếu bạn thấy những câu văn không đúng văn phạm! Xin bạn thông cảm và cố gắng hiểu đúng ý giúp. Rồi một khi bạn đã hiểu điều tôi muốn nói, xin bạn "được ý hãy quên lời".

            Tôi không nhớ đã đưa cho bạn linh thao trong cuộc sống đó tờ soạn điểm cuối cùng vào ngày nào, nhưng dựa vào ngày bạn đó ghi ở tờ cuối cùng là 25.06.85, tôi nghĩ bạn ấy đã linh thao trong cuộc sống ít là tám tháng trời. Tôi đã khuyên bạn đó, mỗi ngày cầu nguyện ít là một tiếng đồng hồ, và nếu ngày nào được nghỉ dạy thì nên dùng cả ngày để TĨNH TÂM CẦU NGUYỆN.

            Mỗi đề tài được đề nghị phải được cầu nguyện ít là một lần.

            Gặp người hướng dẫn là điều cần thiết, nhằm giúp người làm linh thao có thể vượt qua những khó khăn và gặp Chúa dễ dàng hơn. Người hướng dẫn tuy dầu vẫn yếu đuối tầm thường như thao viên, nhưng vẫn là dụng cụ Thiên Chúa dùng để giúp đỡ người đang linh thao với họ.

            Về phiá người hướng dẫn, họ phải cố gắng tỏ lòng nhân hậu với người họ hướng dẫn như Thiên Chúa muốn.

            Thời gian vừa qua, tôi được hân hạnh giúp một số người linh thao. Sau khi kết khóa, có không ít người hỏi liệu có thể dùng những bài đã gợi ý trong khoá linh thao để tiếp tục cầu nguyện được không?! Đó là nguyên do tại sao các điểm giúp linh thao trong cuộc sống hằng ngày năm 1984 được đánh máy lại! Hy vọng điều này có thể giúp một số bạn có đề tài cầu nguyện trong cuộc sống thường ngày theo tiến trình linh thao, và nếu nó có thể giúp ai đó muốn linh thao trong cuộc sống hằng ngày thì càng tốt. Riêng với những người này, tôi buộc phải nói thêm: người hướng dẫn rất là cần thiết ngay cả khi có đầy đủ tài liệu.

            Quy luật "Để có cùng cảm nghĩ với Giáo Hội" (LT.352-370) rất quan trọng đối với linh đạo Ynhã. Chúng ta có thể đọc và suy nghĩ những quy luật này trong tuần thứ ba Linh thao.

            "Ta sẽ ở với ngươi", đó là một bảo chứng để Môisê can đảm thi hành sứ vụ nơi Pharaô. Trong cùng tâm tình này, cầu mong "Thiên Chúa ở với bạn", để đời bạn được biến đổi khi tiếp xúc gần gũi với Thiên Chúa.


DẪN NHẬP

 

            Trước khi bắt đầu khóa Linh thao, chúng ta cũng nên biết sơ qua Linh thao là gì, và thái độ cần thiết để thu lượm được nhiều kết quả trong khóa Linh thao.

LINH THAO LÀ GÌ ?

            Nói theo ngôn từ của Thánh Ynhã Loyola: "Linh thao là mọi cách xét mình, suy gẫm, chiêm niệm, cầu nguyện bằng miệng lưỡi hay bằng tâm trí, và các việc thiêng liêng khác ... Gọi là Linh thao, tất cả những cách dọn và chuẩn bị linh hồn nhằm xa bỏ những quyến luyến lệch lạc, và rồi tìm kiếm Ý Chúa trong cách xếp đặt đời mình nhằm mưu ích cho linh hồn "(LT.1).

            Linh thao đúng nghĩa và trọn vẹn theo phương pháp của Thánh Ynhã gồm bốn tuần kéo dài khoảng 30 ngày. Tuần thứ nhất suy gẫm và chiêm niệm về tội, tuần thứ hai về cuộc đời Chúa Yêsu Kitô cho đến biến cố vào thành Yêrusalem long trọng, tuần thứ ba về cuộc khổ nạn của Chúa, và tuần thứ tư về mầu nhiệm Phục Sinh và Lên Trời của Chúa" (LT.4).

MỤC ĐÍCH LINH THAO

            Linh thao là thời gian đặc biệt giúp con người sống với Thiên Chúa,và sống thân thiết với Ngài! Linh thao không nhằm cung cấp những kiến thức mới lạ. Linh thao làphương tiện của ân sủng nhằm giúp đổi mới con tim, đổi mới cõi lòng, đổi mới tinh thần, đổi mới con người. Nói theo ngôn từ của Thánh Ynhã “Linh Thao để chiến thắng chính mình và xếp đặt đời mình (cách đúng dắn chứ) không theo những tình cảm lệch lạc” (LT.21). Cũng có thể nói: Linh Thao giúp con người được bình tâm, nghĩa là “chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả” (LT.23).

            Để đạt được điều trên, mỗi tuần trong Linh Thao đều có đích nhắm mà thao viên phải thành khẩn xin Thiên Chúa ban cho trong những bài suy ngắm hay chiêm niệm, chẳng hạn trong tuần thứ nhất, người làm linh thao xin Thiên Chúa ban cho mình lòng thống hối chân thành, còn trong tuần thứ hai thao viên xin Chúa ban cho ơn được “hiểu biết thâm sâu về Chúa, Đấng đã làm người vì tôi, để được yêu mến và theo Ngài hơn và theo Ngài” (LT.104); còn ở tuần thứ ba và thứ tư, người làm Linh Thao xin Chúa ban cho ơn được chia sẻ đau khổ và hân hoan với Ngài. Những điều người làm linh thao xin Chúa ban, đó không là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của con người, đó là một ơn, là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người.

            Linh Thao không nhằm thêm cho người ta những kiến thức mới, nhưng nhằm giúp con người cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với con người qua Đức Yêsu Kitô; Chỉ khi nào con người hiểu biết thâm sâu và yêu mến Đức Yêsu, con người mới được tự do nội tâm, và quyết định về cuộc đời mình theo Ý Chúa.

THÁI ĐỘ CẦN THIẾT ĐỂ LÀM LINH THAO

            Người làm Linh Thao cần phải có lòng khao khát ao ước muốn trở nên tốt HƠN, muốn thành người hoàn toàn HƠN, thuộc trọn về Chúa HƠN. Nếu không có ao ước này, không thể làm Linh Thao được.

            Nói theo ngôn từ của Thánh Ynhã, “người

luyện tập Linh Thao sẽ được nhiều ích lợi nếu bước vào với lòng quảng đại và hào hiệp với Đấng Tạo Hóa và Chúa mình, bằng việc dâng trót cả ý muốn và tự do của mình cho Chúa Chí Tôn, để mặc Ngài sử dụng chính mình cũng như mọi sự mình có theo thánh ý Ngài” (LT.5).

            Lòng quảng đại trên được biểu lộ cách cụ thể qua việc giữ những điều phụ thêm (LT.73-82), cầu nguyện trọn một giờ (LT.12), không tò mò gây chia trí (LT.11.127), cởi mở với người hướng dẫn (LT.17.22) v.v...!

            Ở một mức độ nào đó chúng ta có thể khẳng định: kết quả của cuộc Linh Thao tùy thuộc và tỷ lệ thuận với lòng quảng đại của người làm Linh Thao. Thiếu lòng quảng đại, Linh Thao không mang lại kết quả mong muốn.

            Trong những trang tiếp theo, sẽ dựa vào cơ cấu Linh Thao để gợi lên những chủ đề cầu nguyện, như Nguyên Lý Nền Tảng, tuần I (tôi là tội nhân), tuần II (Tiếng gọi Vua Hằng Sống, Nhập thể đòi tự hủy, Đức Yêsu thuộc trọn về Cha, đức Maria thuộc trọn về Thiên Chúa, Con đường Đức Yêsu đi, Ngày Y-nhã, chọn lựa), tuần III và tuần IV.


 

TUẦN 1

A. NGUYÊN LÝ VÀ NỀN TẢNG

a). Bài cầu nguyện dẫn nhập

            Để làm Linh Thao tốt, chúng ta phải đến với Thiên Chúa bằng cả con người với tâm tình kính mến, tin tưởng và phó thác tất cả con người hiện tại và tương lai của chúng ta trong tay Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta. Những bài cầu nguyện sau nhằm mục đích đó.

1. Tv.139 (138)

Khung cảnh: Như mình đang hiện diện trước tôn nhan Thiên Chúa với tất cả triều đình thần thánh trên trời.

Ơn xin: Cảm nghiệm được tình yêu Chúa đối với mình, Ngài luôn nhìn mình bằng con mắt yêu thương, luôn luôn can thiệp, bao bọc và dẫn dắt mình trên mọi nẻo đường.

Điểm : Đọc chậm chậm bản văn và dừng lại suy nghĩ, cầu nguyện với tâm tình mình có.

Tâm sự: Nói chuyện với Đấng yêu thương mình vô cùng.

2. Hãy cởi dép khỏi chân vì chỗ ngươi đứng là nơi thánh (Xh.3,1-12)

Khung cảnh: Môsê[1] đứng trước bụi gai bốc cháy nhưng không tàn.

Ơn xin: Cởi bỏ tất cả và đến với Thiên Chúa trong tâm tình thành kính.

Điểm:

i). Thiên Chúa siêu vượt: bụi gai bốc cháy nhưng không tàn!

ii). Cởi dép để đến với Thiên Chúa.

Nếu không cởi bỏ chính mình, không thể đến với Thiên Chúa.

iii). Thiên Chúa luôn nghe và lưu tâm đến những nỗi khổ và lời kêu cầu của dân Ngài.

Tâm sự: Thân thưa với Thiên Chúa là Đấng luôn luôn yêu thương và can thiệp vào đời sống chúng ta.

3. Lòng mình như thửa đất (Mt.13,1-8. 18-23)

Khung cảnh: Đức Yêsu rong ruổi khắp đất nước Do-thái để rao giảng nước Thiên Chúa.

Ơn xin: Quảng đại lắng nghe và sống Lời Chúa.

Điểm:

i). Hiện tại mình khao khát gì?

ii). Xét xem mình thuộc loại người nào?

Hạt rơi dọc đường,

Hạt rơi trên đất đá,

Hạt rơi vào bụi gai,

Hạt rơi vào đất tốt.

Tâm sự: Xin Chúa làm mình thành mảnh đất màu mỡ để có thể đón nhận Lời Chúa.

4. Đến mà xem (Yn.1,35-51)

Khung cảnh: Như mình đang hiện diện nơi Đức Yêsu gặp gỡ hai môn đệ.

Ơn xin: Xin cho mình khao khát gặp gỡ Chúa, và xin Chúa biến đổi con người mình.

Điểm:

i). Hai môn đệ này tìm kiếm và khao khát gì?

ii). Họ tìm và gặp được gì nơi Đức Yêsu?

iii). Gặp gỡ Thiên Chúa thì được biến đổi...

iv). Trong suốt đời tôi, tôi tìm gì và ... được gì?

Tâm sự: Với Đức Yêsu, Đấng vẫn luôn mời gọi tôi gặp gỡ Ngài: “đến mà xem”.

5. Muốn sao thì được vậy (Mt.15,21-28)

Khung cảnh: Đức Yêsu muốn sống biệt riêng với các tông đồ.

Ơn xin: Tin tưởng, hy vọng, phó thác vào Chúa như chị phụ nữ Canaan.

Điểm:

i). Thái độ của các chị phụ nữ

ii). Thái độ của các tông đồ

iii). Thái độ của Đức Yêsu.

Tâm sự: Với Đức Yêsu, Đấng sẵn sàng bỏ ý mình để theo ý Chúa Cha, khi Ngài nhận ra Thiên Chúa đã can thiệp ban đức tin cho chị phụ nữ.

b). Nguyên lý và Nền Tảng:

            Thiên Chúa là ai?

Con người là ai? Con người được sinh ra để làm gì?

Vũ trụ là gì? Đâu là giá trị của thực tại trần gian?

Đâu là tương quan giữa Thiên Chúa, con người và vũ trụ.

            Những bài cầu nguyện trong chủ đề này giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa, vũ trụ và con người.

 1. Con người, hình ảnh Thiên Chúa (Kn.1,1-2,4a)

Khung cảnh: Đức Yêsu ở Nadarét.

Ơn xin: Nhận biết con người là tạo vật, được Thiên Chúa yêu thương. Tâm tình tùy thuộc Thiên Chúa.

Điểm:

i). Chúa tạo dựng tất cả bằng Lời Ngài.

ii). Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa, và là chóp đỉnh công trình sáng tạo.

iii). Chúa trao tất cả vào tay con người.

Tâm sự: Với Cha, với Thánh Thần sáng tạo, và với Chúa Con như Lời Thiên Chúa.

2. Con người là gì mà Chúa để ý chăm nom?(Tv.8)

Khung cảnh: Hình dung con người chỉ là một tạo vật bé nhỏ giữa một vũ trụ bao la.

Ơn xin: Cảm nghiệm Thiên Chúa yêu thương con người, đặt con người trên tất cả.

Điểm:

Con người là ai, tôi là ai khi tôi nhìn bầu trời trong một đêm đầy tinh tú? Con người thật bé nhỏ trong vũ trụ nhưng là tạo vật được Thiên Chúa yêu thương hết mực.

Tâm sự: Ca tụng Thiên Chúa như tác giả Thánh vịnh.

3. Thiên Chúa yêu tôi (Yn.3,16; 1Yn.4,9-16)

Khung cảnh: Đức Yêsu chết thê thảm trên thập gía.

Ơn xin: Cảm nghiệm thẳm sâu tình Chúa yêu tôi.

Điểm:

i). Điều tôi cho là quan trọng nhất trong đời là gì?

Được kính trọng, hay tiền bạc lợi lộc?

Thiên Chúa yêu tôi vô cùng (Yn.3,16 ), đó là điều vô cùng quan trọng mà tôi cần biết!

ii). Bằng chứng tình yêu?

Ngài ban Con Một Ngài cho tôi.

Ngài ban Thánh Thần cho tôi.

Chúa Yêsu chết cho tôi, Ngài thành lương thực nuôi sống tôi.

Tâm sự: Với Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng yêu thương tôi vô cùng.

4. Thiên Chúa quan phòng săn sóc tôi (Mt.6,25-34)

Khung cảnh: Đức Yêsu giảng dạy các tông đồ và dân chúng; như tôi đang hiện diện ở đó giữa các tông đồ.

Ơn xin: Cảm nghiệm tình Chúa yêu tôi qua việc Ngài luôn quan phòng chăm sóc tôi.

Điểm:

i). Chớ quá lo ăn gì mặc gì

ii). Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước trước đã...

iii). Tôi có tin rằng Thiên Chúa yêu tôi không? Và tôi có dám phó thác đời tôi cho Ngài không?

Tôi có chấp nhận cha mẹ, anh chị em, họ hàng của tôi không?

Tôi có chấp nhận hoàn cảnh hiện tại của tôi không?

Tôi có cằm ràm oán trách Thiên Chúa bao giờ không?

Tôi có chấp nhận những gì xảy đến cho tôi trong quá khứ không?

Thiên Chúa là ai đối với tôi? Người tôi yêu nhất, năng nhớ đến nhất, luôn cần Ngài nhất (tỏ hiện bằng việc cầu xin với Ngài),đặt Ngài trên mọi chuyện và trên mọi ưu tiên khác?

Tâm sự: với Thiên Chúa là Đấng luôn yêu tôi, Ngài luôn nhìn xem, để ý và chăm sóc tôi!

5. Thiên Chúa yêu thương tôi nhờ và trong Đức Yêsu Kitô (Eph.1,3-14)

Khung cảnh: Đức Yêsu trên thập giá.

Ơn xin: Thấy và cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với tôi.

Điểm:

i). Thiên Chúa yêu thương tạo dựng tôi trong đức Kitô

ii). Thiên Chúa yêu thương cứu chuộc tôi trong và nhờ Đức Yêsu Kitô

iii). Thiên Chúa ban tất cả cho tôi trong và nhờ đức Kitô.

Tâm sự: với Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần ...

6. Nếu Thiên Chúa phò tôi (Rm.8,28-39)

Đặt mình hiện diện trong khung cảnh một người con được cha mẹ thương yêu nhiều.

Trong bài cầu nguyện này, xin Chúa cho mình được cảm nghiệm rõ Thiên Chúa yêu thương mình, và Ngài sẵn sàng làm tất cả để mình thuộc về Ngài.

Điểm:

i). Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu độ (1Tm.2,4) (tuy vậy, con người vẫn tự do, có thể làm trái thánh ý Thiên Chúa! Thiên Chúa biết con người phạm tội chống lại Ngài, dù Ngài không muốn điều đó).

ii). Nếu Thiên Chúa phò ta, ai có thể chống lại được ta?

iii). Không ai, không gì có thể tách tôi khỏi tay Thiên Chúa! Không phải vì tôi yêu Chúa đến độ đó, nhưng bởi vì Thiên Chúa giữ tôi.

Tâm sự với Chúa, xin Chúa cho mình quảng đại đáp trả tình yêu Thiên Chúa đối với mình.

7. Thái độ đối với của cải (Lc.12,13-15.16-21.22-34)

Khung cảnh: hiện diện trong biến cố người ta xin Đức Yêsu can thiệp để chia tài sản.

Ơn xin: thấy rõ giá trị của thực tại trần thế và ơn chọn Thiên Chúa trên hết.

Điểm:

i). Của cải đối với người đòi chia gia tài

ii). Thái độ của người phú hộ đối với của cải?

iii). Phản ứng của Đức Yêsu hàm chứa gì?

iv). Tôi đã coi tiền của như thế nào?

Tâm sự: với Chúa Yêsu ...

8. Nguyên lý và Nền Tảng (LT.23)

Khung cảnh: Đức Yêsu chết thê thảm trên thập giá

Ơn xin: chọn Thiên Chúa trên tất cả, và bình tâm với mọi tạo vật: “sao cũng được”.

Điểm:

i). Thiên Chúa là cứu cánh của đời tôi.

ii). Vũ trụ là phương tiện cho tôi đến với Thiên Chúa.

iii). Thái độ của con người phải có đối với Thiên Chúa và tạo vật: bình tâm!

Tâm sự: với Đức Yêsu, Đấng đặt Thiên Chúa trên tất cả dù rằng Ngài phải chết.

9. Chỉ có một điều cần thôi (Lc.10,38-42)

Khung cảnh: Chị Maria ngồi dưới chân Chúa nghe Chúa giảng dạy.

Ơn xin: Chọn Thiên Chúa: chọn sống với Ngài và gặp gỡ Ngài trên tất cả.

Điểm:

Cách cầu nguyện là nhìn nghe quan sát, suy nghĩ rút ích lợi.

i). Chọn lựa và cách sống của chị Maria.

ii). Cách sống phản ánh quan điểm của chị Martha.

iii). Quan điểm chọn lựa nào được phản ảnh qua cách sống của tôi?

Tâm sự: với Chúa, Đấng phê chuẩn chọn lựa của chị Maria.

10. Yêu Chúa yêu người (Mc.12,28-34)

Khung cảnh: hiện diện trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Yêsu và người biệt phái.

Ơn xin: Sống yêu thương chân thực như Chúa yêu thương chúng ta.

Điểm:

i). Yêu Chúa hết trái tim, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực.

ii). Yêu anh em như yêu mình, như Chúa yêu thương con người.

Tâm sự: với Đấng chết vì yêu.

11. Yêu người (Lc.10,29-37)

Khung cảnh: Như hiện diện trong biến cố người bị nạn được cứu vớt.

Ơn xin: cho mình biết thương cảm người khác, và tận tâm giúp đỡ người ta.

Điểm: 

i). Thái độ của tư tế và biệt phái

ii). Thái độ của người ngoại Samaritanô nhân hậu

iii). Trong đời thường tôi đã sống như thế nào?

Tâm sự: với Thiên Chúa, Đấng luôn thương cảm chúng ta khi chúng ta xúc phạm đến Ngài.

GHI CHÚ

            Những ghi chú này được nhắc cho thao viên ngay từ ngày đầu làm Linh thao, sau những lần cho điểm cầu nguyện, nhưng sẽ nhắc làm nhiều lần, để mỗi lần cho điểm không quá 30 phút, nhằm bảo đảm giờ cầu nguyện.

            Mỗi lần cầu nguyện kéo dài một tiếng đồng hồ (LT.12.13), và sau đó xét ngắm 15 phút (LT.77).

            Trong ngày luôn nhớ đến Chúa và tâm tình cầu nguyện (LT.78.130.206.229).

            Nhớ xét mình riêng (LT.90.24-31) về lòng quảng đại đối với Chúa trong thời gian Linh thao (LT.5), dựa vào các điều phụ thêm (LT.73-82).

            Nên cho người hướng dẫn biết những dao động thao viên cảm thấy (LT.17), để có thể được giúp đỡ hiệu qủa hơn.

            Xét gẫm để biết mình cầu nguyện có tốt không! Cầu nguyện được hay không, không chỉ là do chúng ta cố gắng, nhưng chính yếu là nhờ ơn của Chúa.

            Cứ bình thường thì Chúa cho cầu nguyện được (nghĩa là được an ủi thiêng liêng), nhưng nhiều ít khác nhau, chẳng hạn thấy yêu Chúa hơn, không thể yêu tạo vật nào vì chính nó nhưng chỉ yêu nó trong Chúa, hoặc thấy mình thêm lòng tin cậy bình an và hạnh phúc v.v... Nếu thấy được điều này thì hãy tạ ơn Chúa (LT.316), còn nếu cầu nguyện không được (LT.317), hãy xét xem có phải tại mình mà cầu nguyện không được không, hay tại Chúa muốn tôi luyện mình, hoặc muốn dạy mình một bài học nào đó(LT.322)? Nếu thấy tại lỗi mình mà cầu nguyện không được, thì hãy xin lỗi Chúa, và cố gắng quảng đại hơn nữa với Chúa qua việc giữ các điều phụ thêm.

            Về việc đọc sách nên thận trọng để tránh chia trí, ngay cả những sách đạo đức không hợp với ơn xin của bài linh thao (LT.11.127). Những sách, hoặc đúng hơn, những đoạn sách hợp với chủ đề cầu nguyện có thể được dùng (LT.100).


B. TÔI LÀ TỘI NHÂN

            Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa... Và Ngài thấy rất là tốt đẹp! Thế nhưng con người đã dùng tự do Thiên Chúa ban cho con người để phạm tội phản lại Thiên Chúa.

            Con người không là tội nhân theo bản tính, thế nhưng thực tế con người là tội nhân. Mục đích của tuần thứ nhất Linh Thao nhằm giúp chúng ta nhận rõ thực sự chúng ta là một tội nhân, và nhận rõ hậu quả thê thảm đáng lẽ chúng ta phải gánh chịu do tội gây nên là cái chết vĩnh cửu, sự bất hạnh đời đời (nếu không được Thiên Chúa nhập thể chết thế cho).

            Mục đích của tuần thứ nhất Linh thao được diễn tả trong ơn xin “cho mình nhận biết rõ về thực trạng con người của mình (tội nhân), và ơn sám hối trở về với Thiên Chúa”. Mục đích của tuần thứ nhất Linh Thao không chỉ là biết mình là tội nhân, nhưng chính yếu làm sao có lòng ao ước khao khát trở lại với Thiên Chúa, và cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với mình.

1. Tội Ađam và Evà (Kn.3)

Khung cảnh: Đức Yêsu bị hành hạ bởi những người ác ...

Ơn xin: Hiểu biết tội và sự ác hại của tội (muốn độc lập với Thiên Chúa, nghĩ không tốt về Thiên Chúa, không tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa).

Điểm:

i). Nguyên tổ trước khi phạm tội: tương quan tốt đẹp với nhau và với Thiên Chúa.

ii). Tội: không tin vào Thiên Chúa, tin vào ma quỷ, muốn độc lập với Thiên Chúa.

iii). Hậu quả: lời hứa cứu độ.

Tâm sự với Chúa trên thập giá.

2. Tội Cain (Kn.4,1-16)

Khung cảnh: hiện diện khi Đức Yêsu bị giết thê thảm.

Ơn xin: cảm nhận rõ giận hờn, thù oán và giết anh em mình là sống như ma qủy và chống lại Thiên Chúa.

Điểm:

i). Cung cách sống của Cain và Abel

ii). Cain âm mưu và thi hành chương trình giết em Abel

iii). Cain nói dối khi Thiên Chúa tra vấn

iv). Tội làm con người phải chết và làm con người đau khổ.

Tâm sự: với Đức Yêsu, Đấng chết thế cho tôi.

3. Tội của ma quỷ và con cái ma quỷ (Yn.8,31-51)

Khung cảnh: người Do-thái chống đối Đức Yêsu.

Ơn xin: nhận biết rõ phạm tội là hành xử như ma quỷ, phạm tội chống lại Thiên Chúa là đứng về phe ma quỷ và làm nô lệ ma quỷ.

Điểm:

i). Người Do thái tìm giết Đức Yêsu (cc.40.59)! Tại sao?

Cung cách hành xử của người Do-thái phản ảnh họ giống ai: “Các ngươi bởi cha tức là quỷ mà ra” (c.44).

ii). Thái độ của đức Yêsu: nói sự thật, đến từ Thiên Chúa (c.40).

Tâm sự với Chúa Yêsu chết treo thập giá.

4. Ba tội (LT.45-54).
5. Tội tôi (LT.55-61).
6. Tái gẫm (LT.62-63):

Khung cảnh: Như mình hiện diện trong biến cố Đức Yêsu bị hành hạ.

Ơn xin: Cảm nhận mình là tội nhân; ghê tởm tội lỗi mình; thấy rõ những lệch lạc trong tư tưởng, lời nói, hành động của mình; thấy rõ sự phù phiếm của thế gian và những cám dỗ của nó.

Điểm:

Xem lại suy nghĩ của mình, tiêu chuẩn bình thường dựa vào để đánh giá.

Lời nói: ý hướng khi nói ...

Hành động: động lực thúc đẩy hành xử ...

Tâm sự: Nói chuyện thân thưa với Đức Yêsu chịu khổ hình vì tội tôi.

7. Tội dân Do thái thờ bò vàng (Xh.32)

Khung cảnh: Hình ảnh dân Do-thái ăn tiệc và “đú đởn” sau khi lễ tế thờ bò vàng.

Ơn xin: tội là muốn điều khiển Thiên Chúa theo ý mình.

Điểm:

i). Con người muốn làm Thiên Chúa theo ý mình!

Đồng nhất Thiên Chúa và tạo vật là tội, muốn tạo hình Thiên Chúa để điều khiển Thiên Chúa theo ý mình cũng là tội.

ii). Thiên Chúa làm cho Môsê yêu dân, cầu khẩn cho dân, để Thiên Chúa tha thứ cho dân.

Tâm sự với Thiên Chúa nhân từ tha thứ.

8. Dân Do thái vô ơn và thử thách Thiên Chúa (Xh.15,22-17,7)

Khung cảnh: Quang cảnh dân Do-thái phản kháng Môsê.

Ơn xin: Nhận biết mình là tội nhân, đã có những lần mình có thái độ vô ơn đối với Thiên Chúa dù Thiên Chúa rất mực yêu thương mình, đã có nhiều lần mình muốn làm áp lực với Thiên Chúa, muốn bắt Thiên Chúa làm theo ý mình.

Điểm:

i). Nước đắng ở Mara

ii). Manna và chim cút

iii). Nước từ tảng đá.

Tâm sự: xin ơn hoán cải đổi đời.

9. Lời nguyện thống hối của kẻ lưu đày (Bar.1,15-3,8)

Khung cảnh: đời sống vất vả lam lũ cực khổ của những người lưu đày.

Ơn xin: khiêm tốn, nhận biết những lỗi lầm trong đời mình như dân Do Thái đã nhận ra lỗi lầm của họ khi lưu đày.

Điểmn và Tâm sự:  đọc chậm chậm và dừng lại cầu nguyện khi được thúc đẩy.

10. Nhìn lại suốt tuần

với những hồng ân và lầm lỗi, ghi lại những điều này,

cầu nguyện dựa trên hồng ân và những lỗi lầm này.

11. Bất công (Amos 8,4-10)

Đặt mình hiện diện trong khung cảnh người giầu hà hiếp bóc lột người nghèo.

Trong bài cầu nguyện này, xin Chúa cho mình được nhận biết: bất công, làm hại người nghèo là chống lại Thiên Chúa.

Điểm:

i). Người giàu đặt của cải trên Thiên Chúa và anh em

ii). Hình phạt nhằm để con người nhận biết sự thật về chính mình và trở lại với Thiên Chúa và anh em.

Tâm sự với Chúa, xin Chúa cho mình biết thương cảm người nghèo, và trở nên người nghèo của Thiên Chúa, nghĩa là chỉ đặt niềm cậy trông hy vọng nơi Thiên Chúa chứ không nơi người đời hoặc tiền của.

12. Israel bất trung (Yer.3,1-4,4)

Đặt mình hiện diện trong khung cảnh dân Do-thái thờ thần ngoại lai.

Trong bài cầu nguyện này, xin Chúa cho mình được nhận ra mình đã nhiều lần trong đời từ chối và phản bội tình

yêu Thiên Chúa đối với mình, cho mình cảm nghiệm Thiên Chúa là Đấng trung thành.

Điểm:

i). Bỏ chồng làm đĩ, liệu còn có thể trở về với chồng không? Đó là trường hợp của dân Israel.

ii). Dầu vậy, Thiên Chúa vẫn mời gọi và chờ mong Israel trở về với Người.

Tâm sự với Chúa, xin Chúa cho mình hiểu biết Thiên Chúa tình yêu hơn, Đấng đã yêu thương dân Israel và tôi với một tình yêu "điên".

13. Tội dân ngoại (Rm.1,18-32)

Đặt mình hiện diện trong khung cảnh con người tội lỗi chiều theo dục vọng của mình, làm trái với những gì tự nhiên Thiên Chúa tạo dựng.

Trong bài cầu nguyện này, xin Chúa cho mình được hiểu biết tội là phản lại bản tính con người.

Điểm:

i) . Cố tình không muốn biết Thiên Chúa, không tìm kiếm Thiên Chúa, tự kiêu tự mãn cho mình là đủ.

ii). Đi ngược với ơn gọi con người.

iii). Độc dữ, bất công.

Tâm sự với Chúa, xin Chúa cho mình thấy rõ tội là hành vi làm mất phẩm giá con người.

14. Không yêu thương là tội (Mt.25,31-46)

Đặt mình hiện diện trong khung cảnh ngày Chúa đến trong vinh quang.

Trong bài cầu nguyện này, xin Chúa cho mình được cảm nhận rõ: không yêu thương thì không thể là con Thiên Chúa.

Điểm:

i). Thiên Chúa là Tình Yêu, ai ở trong Tình Yêu thì ở trong Thiên Chúa(1Yn.4,8.16).

ii). Saolô Saolô, sao người bắt bớ ta (Cv.9)

iii). Khi các ngươi làm cho một trong những người bị bắt bớ tù đầy, là các ngươi làm cho chính Ta.

Tâm sự với Chúa, xin Chúa cho mình có con tim của Chúa, chỉ biết yêu mà thôi.

15. Những người mù thiêng liêng (Yn.9,1tt)

Đặt mình hiện diện trong khung cảnh Đức Yêsu chữa lành người mù từ thuở mới sinh này.

Trong bài cầu nguyện này, xin Chúa cho mình được ơn nhận ra mình cũng là những người mù, và xin Chúa mở mắt và giải phóng mình.

Điểm:

i). Biến cố Chúa chữa lành người mù

ii). Thái độ cha mẹ người mù: "khôn ngoan"

iii). Thái độ người biệt phái: thành kiến, ác ý!

iv). Thái độ của người mù

Tâm sự với Chúa, xin Chúa cho mình nhận ra những tật mù của con, và xin Ngài chữa lành mình.

16. Phạm đến Thánh Thần (Mc.3,20-30)

Đặt mình hiện diện trong khung cảnh dân Do-thái ngoan cố trước những hành động Đức Yêsu làm.

Trong bài cầu nguyện này, xin Chúa cho mình được nhận rõ: ngoan cố và thành kiến, là không vâng phục Thánh Thần.

Điểm:

i). Vi phạm thập giới

ii). Ngoan cố, thành kiến, ác tâm.

iii). Không nghe tiếng lương tâm, không vâng phục Thánh Thần Thiên Chúa nói với mình trong tâm hồn.

Tâm sự với Chúa Yêsu chết treo trên thập giá.

17. Tôi là tội nhân (1Yn.1,8-2,11)

Đặt mình hiện diện trong khung cảnh một tử tù chờ ngày hành quyết.

Trong bài cầu nguyện này, xin Chúa cho mình được cảm nghiệm (chứ không phải chỉ biết bằng lý trí) mình là tội nhân.

Điểm:

i). Không yêu.

ii). Không yêu hết mình, không sống tất cả cho tình yêu.

Tâm sự với Chúa, xin Chúa cho mình nên giống Chúa, sống cho Tình Yêu và chết cho Tình Yêu!

18. Lời nguyện thống hối (Tv.51/50)

Đặt mình hiện diện trong khung cảnh vua David mặc áo thô ngồi trên tro ăn năn sám hối tội lỗi mình.

Trong bài cầu nguyện này, xin Chúa cho mình được  lòng thống hối chân thành như Đavid xưa.

Điểm:

i). Đọc II Sam.11-12 để thấy tội của David

ii). Tội tôi

iii). Đọc chậm chậm Thánh Vịnh 50, và dừng lại cầu nguyện như mình muốn hoặc được thúc đẩy.

Tâm sự với Chúa, xin Chúa cho mình đổi đời, trở về với Chúa thực sự.

19. Thiên Chúa như người cha nhân từ (Lc.15,11-24)

Đặt mình hiện diện trong khung cảnh người cha tựa cửa chờ mong người con trở về.

Trong bài cầu nguyện này, xin Chúa cho mình được nhận biết mình là tội nhân tận xương tủy cõi lòng, và xin ơn trở về với Chúa thực sự.

Điểm:

i). Người con thứ dứt nghĩa đoạn tình ra đi không thèm để ý đến nỗi khổ của người cha

ii). Thái độ của người con trưởng (như người làm thuê)

iii). Tâm tình của người cha: luôn luôn chờ mong con quay đầu trở về (người con phung phá, đói, khổ, hối hận, quyết định trở về, trở về .... Người cha tiếp đón, không để ý đến quá khứ và lỗi lầm của người con ...)

Tâm sự với Chúa, xin Chúa cho mình tin tưởng Thiên Chúa yêu thương mình, xin cho mình ơn trở lại thực sự.

20. Chị phụ nữ ngoại tình (Yn.8,1-11)

Đặt mình hiện diện trong khung cảnh người ta dẫn chị phụ nữ ngoại tình đến với Đức Yêsu.

Trong bài cầu nguyện này, xin Chúa cho mình được cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa qua Đức Yêsu.

Điểm:

i). Thái độ của chị phụ nữ ngoại tình: sợ sệt, hổ thẹn, tuyệt vọng.

ii). Thái độ của biệt phái và ký lục: nghiêm khắc và đắc thắng.

iii). Cung cách cư xử của đức Yêsu: kiên nhẫn và nhân hậu! Ai trong các ông vô tội ... Tôi không kết án chị, hãy đi và đừng phạm tội nữa.

Tâm sự với Chúa, xin Chúa cho mình cảm biết tình yêu của Ngài qua những lần Ngài tha thứ cho mình.

21. Chị phụ nữ thống hối (Lc.7,36-50)

Đặt mình hiện diện trong khung cảnh chị phụ nữ thống hối khóc dưới chân Đức Yêsu khi Ngài đang dùng bữa.

Trong bài cầu nguyện này, xin Chúa cho mình được ơn nhận biết mình là tội nhân, ơn thống hối chân thành vì Thiên Chúa yêu mình vô cùng.

Điểm:

i). Thái độ của người biệt phái đối với chị phụ nữ “nổi tiếng thành phố” này.

ii). Thái độ và tâm tình của chị phụ nữ

iii). Thái độ và cung cách hành xử của đức Yêsu.

Tâm sự với Chúa, xin Chúa cho mình có lòng thống hối như chị phụ nữ này.

 

GHI CHÚ:

            Ao ước nên thánh, khát mong trở nên trọn lành như Thiên Chúa là Đấng trọn lành (Lv.19,2 Mt.5,48), là một ơn rất lớn, là chính sức sống Thiên Chúa đặt vào lòng ta, là chính Tình Yêu và lửa Thánh Thần hiện diện tác động nơi tâm hồn chúng ta.

            Hãy thành khẩn xin Chúa ơn khao khát nên thánh và thuộc trọn về Chúa. Lòng khao khát này sẽ giúp chúng ta sống quảng đại với Chúa trong suốt thời gian Linh Thao và cụ thể trong ngày sống hôm nay.

            Lòng quảng đại với Chúa, ao ước thuộc trọn về Chúa được thể hiện trong suốt ngày:

ngay từ khi thức dậy đã nhớ đến tâm tình và điểm cầu nguyện (LT.74),

cố gắng cầu nguyện hết sức, và cả khi không là giờ cầu nguyện thì cũng luôn nhớ đến Chúa, và xua đuổi những gì không hợp với đề tài đang cầu nguyện ra khỏi tâm trí; nói cách khác, như thể chúng ta chỉ có một bài cầu nguyện, và lần cầu nguyện này kéo dài suốt ngày.

            Phải kiểm điểm giờ cầu nguyện rất cẩn thận, xem mình có đặt tương quan sống động giữa mình và Chúa hơn là kiến thức không (LT.2), xem mình có cung kính với Chúa đủ không (LT.3), xem mình có cố gắng để gặp gỡ Thiên Chúa trong cung cách thái độ khi cầu nguyện không (LT.76), xem mình có quảng đại với Chúa trọn vẹn không (LT.78), xem mình có hy sinh tất cả cho Chúa không (LT.79-82)? Nếu mình đã chưa cố gắng sống quảng đại với Chúa (LT.90), thì mình phải cố gắng hơn.

            Có thể đọc sách Gương Phúc (Gương Chúa Yêsu), quyển I, chương XXI-XXV, hoặc đọc bản dịch tác phẩm của Jean Laplace "Một kinh nghiệm sống trong Chúa Thánh Thần" từ trang 49-69.

            Đọc LT.313-327 để nhận ra đường lối và mưu mô của ma quỷ. Cũng có thể đọc Jean Laplace về cùng chủ đề trong những trang 65-69.

            Nếu là linh thao trong cuộc sống hằng ngày, thì nên so sánh tuần này với tuần trước xem mình tiến bộ hay thụt lùi? Nếu thấy mình không tiến bộ, hãy thành khẩn xin lỗi Chúa và cố gắng quảng đại với Ngài hơn nữa trong việc xét mình, dọn điểm, cầu nguyện, xét ngắm, cùng giữ các điều phụ thêm, ...!

 

 

HOME    CHIA SẺ LỜI CHÚA    LINH ĐẠO    THẦN HỌC    ĐỜI SỐNG    SOME THEMES IN ENGLISH 

HIỆN TẠI MỚI QUAN TRỌNG    BẠN ĐƯỜNG LINH THAO    ĐỂ TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC HƠN

LINH THAO MƯỜI NGÀY   LINH THAO TRONG CUỘC SỐNG   ĐẶC SỦNG DÒNG TÊN   SÁCH LINH THAO CỦA THÁNH YNHÃ

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

phamthanhliem

jptl@jptl.org

 



[1] Môisê: "được vớt" (Xh.2,10) nghĩa là được cứu, được yêu (tiểu sử đời Môisê).