HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LINH ĐẠO
THẦN HỌC
ĐỜI SỐNG
SOME THEMES IN ENGLISH
DẪN NHẬP THẦN HỌC
MẶC KHẢI
SẼ SỐNG NẾU BẠN TIN TÔN GIÁO NGOÀI KITÔ ÂN SỦNG VÀ BIỂU TƯỢNG
MẶC KHẢI
Jptl
MỤC LỤC:
Giáo trình mặc khải
thuộc thần học căn bản.
Thần học căn bản được hiểu là những
giáo trình thần học nghiên cứu những thực tại đầu tiên và căn bản của Kitô
giáo, được giảng dạy ở năm đầu của chương trình thần học[1].
Theo nghĩa này thần học căn bản gồm những giáo trình: Dẫn Nhập Thần Học, Mặc
Khải, Linh Ứng, Huấn Quyền, Đức Tin.
Thần học căn bản cũng được hiểu như
chức năng phê bình và biện minh của thần học, nhằm cho thấy tính hợp lý và khả
tín của mặc khải[2]. Theo nghĩa
này, giáo trình mặc khải này sẽ bàn về khả thể mặc khải.
Thứ tự sắp xếp của giáo trình này:
Phần
I: Khả thể mặc khải
Phần
II: Mặc khải nơi Kinh Thánh
Phần
III: Mặc khải trong lịch sử Hội Thánh
Phần
IV: Suy tư tổng hợp về mặc khải.
Giáo trình “mặc khải” này được soạn
nhằm giúp sinh viên thần học. Người viết mong ước đóng góp chút gì trong việc
xây dựng Hội Thánh. Mong ước rất đẹp nhưng sức bạc tài hèn không tránh khỏi
những khiếm khuyết, tác giả xin quý độc giả cho lời góp ý để Chúa được tôn vinh
hơn.
Chân thành tri ân.
Jptl
ĐL. 230338
-----o0o----
Mặc khải là từ ngữ Hán Việt dùng để
dịch chữ revelatio tiếng latinh và chữ Apokaluyis tiếng Hy Lạp[3].
Mặc khải là gì?
Mặc khải, theo tự điển của Thanh
Nghị, có nghĩa: “sự gợi cho biết một cách thầm kín và không thể dùng lý trí để
giảng giải được[4]”.
Một số thần
học gia đã trả lời câu “Mặc khải là gì?” bằng những lời khác nhau:
1.
Với N. Jung, “Mặc khải là Lời Thiên Chúa dạy dỗ và chứng
thực”[5];
2. Theo R.
Garrigou- Lagrange, mặc khải là “Lời Chúa tỏ lộ mầu nhiệm siêu nhiên và các
chân lý tự nhiên của tôn giáo”[6];
3. Bouillard:
“Mặc khải là sự tỏ lộ của Thiên Chúa về Thiên Chúa và chương trình cứu độ của
Người trong lịch sử và bởi lịch sử được giải thích trung thực”[7];
4. Theo thần
học gia tin lành Karl Barth, “mặc khải là hành vi tối thượng của ân sủng Thiên
Chúa, ở đó Ngài tự thông ban chính Ngài cho con người biết”[8];
5. S.
Thornton: “Mặc khải là một cách của hành động thần linh, qua đó Đấng Tạo Hoá
thông ban chính mình Ngài cho con người, và khi làm như vậy, Ngài mời gọi con
người đáp trả và cùng hoạt động”[9];
6.
Theo Geoffrey Parrinder, khuynh hướng thời đại ngày nay cho
rằng “Mặc khải là hành vi hay sự tỏ lộ chính mình của Thiên Chúa”[10];
7. Với J.
Alfaro, “Mặc khải là sự tự trao ban chính mình”[11];
8. Theo H.
Fries, “Mặc khải là sự thông truyền siêu nhiên và tự do của Thiên Chúa trong
lời, hành động, và biến cố”[12];
9. Với A.
Dulles, “Mặc khải là sự tỏ lộ tự do của Thiên Chúa về cái nằm ngoài tầm với
bình thường của con người; Nó là hành động khởi đầu, qua đó Thiên Chúa ra khỏi
sự ẩn dấu của Ngài, kêu gọi và mời họ đi vào một hiện hữu giao ước”[13];
10. Với R.
Latourelle, “Mặc khải là Lời Thiên Chúa nói với con người, là thực tại đầu
tiên; tất cả chương trình cứu độ đều tựa trên mầu nhiệm “Thiên Chúa tỏ lộ chính
mình trong tin yêu”; mặc khải là mầu nhiệm khởi đầu, mặc khải thông truyền cho
chúng ta các mặc khải khác; mặc khải là sự tỏ bày chương trình cứu độ mà Thiên
Chúa đã ngẫm nghĩ từ đời đời, và Ngài đã thực hiện nơi Đức Yêsu Kitô (Eph.1,
9-10; Rm.16, 25-27)”[14];
11. Còn với
đức giáo hoàng Phaolôâ VI, trong thông điệp Ecclesiam Suam, Ngài nói: “Mặc khải
là tương quan siêu nhiên mà Thiên Chúa đã có sáng kiến thiết lập với nhân loại,
nó được diễn tả như một cuộc đối thoại, trong đó Lời Thiên Chúa biểu lộ qua
việc nhập thể, và tiếp theo là bằng Tin Mừng...”[15].
Gút lại, mặc khải là hành vi tỏ lộ
và trao ban chính mình của Thiên Chúa cho con người trong dòng lịch sử.
Giáo trình mặc khải này chỉ bàn về
mặc khải nơi Kitô giáo và gác qua một bên những vấn đề mặc khải nơi các tôn
giáo ngoài kitô giáo[16].
Trong những phần tiếp sau, sẽ lần lượt xem xét vấn đề khả thể mặc khải, mặc
khải theo Kinh Thánh, mặc khải trong dòng lịch sử Hội Thánh, và phần cuối là
suy tư thần học về mặc khải. Trong phần thứ nhất về khả thể mặc khải, vì nhằm
cho thấy tính hợp lý và khả tín của mặc khải, nên sẽ dùng thuần lý trí để xét
vấn đề mặc khải và không nại đến Kinh Thánh và Huấn Quyền như chuẩn mực đức
tin.
Mặc khải là hành vi Thiên Chúa tỏ lộ
cho con người trong dòng lịch sử qua những dấu chỉ khả giác, đặc biệt là nơi
Lời nhập thể, về Thiên Chúa và chương trình cứu độ con người của Ngài.
Không có mặc khải nếu không có Thiên
Chúa; cũng không có mặc khải nếu Thiên Chúa tự do không muốn tỏ lộ cho con
người; và cũng chẳng có mặc khải nếu con người không có khả năng hiểu được
Thiên Chúa hoặc không hiểu được mặc khải. Nói cách khác, vấn đề khả hữu mặc
khải hàm chứa vấn đề Thiên Chúa hiện hữu và vấn đề khả năng tri thức Thiên Chúa
của con người. Còn vấn đề Thiên Chúa tự do có mặc khải cho con người hay không,
tiên thiên mà nói thì điều này tùy thuộc Thiên Chúa tự do.
Trong phần này sẽ cố gắng minh chứng
“con người có khả năng biết Thiên Chúa”, sau đó sẽ bàn đến khả thể mặc khải, và
cuối cùng là môi trường mặc khải.
Ai cũng phải nhận rằng nếu thực sự
Thiên Chúa hiện hữu, mà con người phủ nhận, cho rằng Ngài không hiện hữu, thì
Ngài vẫn hiện hữu. Nói cách khác, nếu Thiên Chúa hiện hữu thì Ngài hiện hữu
khách quan không tùy thuộc con người[17].
Nếu thực sự Thiên Chúa hiện hữu và
con người biết Ngài hiện hữu, thì điều này hàm chứa con người có khả năng biết
Thiên Chúa. Nói cách khác, nếu minh chứng được Thiên Chúa hiện hữu thực sự, là
chứng minh được “con ngưới có khả năng biết Thiên Chúa”.
a. Nếu con người không có
khả năng
“Thiên Chúa hiện hữu”, điều này
không được tất cả chấp nhận. Lược sơ qua lịch sử tư tưởng, người ta ghi nhận có
những lập trường khác biệt.
i. Gongias (483-375)
Gorgias chủ trương “không có gì cả”,
vì hư vô và hữu thể đều không thể là những dữ kiện cho cảm giác được; giả như
có gì đi nữa, người ta cũng không thể biết được; giả như có biết được gì đi
nữa, người ta cũng không thể diễn tả chúng nổi[18].
Như vậy Gorgias phủ nhận tri thức
ngoài tri thức giác quan; phủ nhận tương quan giữa hữu thể, phủ nhận tương quan
giữa lý trí và vạn sự vạn vật, giữa ngôn ngữ và hữu thể.
ii. Chủ thuyết hoài nghi
Những người theo chủ thuyết hoài
nghi chấp nhận có sự chắc chắn chủ quan, nhưng họ cho rằng không thể chứng minh
giá trị khách quan của phán đoán, và như vậy không thể có sự chắc chắn tuyệt
đối rằng một phán đoán là đúng[19].
Agrippa tóm luận lý của những người
theo thuyết hoài nghi bằng năm mệnh đề như sau:
1.
Nếu một người theo
thuyết giáo điều khẳng định một điều, thì luôn luôn người khác có thể phủ nhận
nó (mâu thuẫn);
2.
Nếu người ta muốn chứng
minh nó bằng một nguyên tắc khác, thì người khác có thể phủ nhận nguyên tắc
này, và cứ như vậy (diễn tiến đến vô cùng);
3.
Nếu người ta cho rằng
một trong những nguyên tắc này là hiển nhiên không cần chứng minh, như vậy
nguyên tắc đó chỉ có vẻ chân thực thôi, nếu không thì phải chứng minh (tính
tương đối);
4.
Nếu người ta từ chối
chứng minh nó, thì nguyên tắc đó chỉ là một giả thiết có thể được tranh cãi;
5.
Nếu người ta muốn chứng
minh nguyên tắc đó, thì phải có một tiêu chuẩn để chứng minh nó, và người ta
lại phủ nhận tiêu chuẩn này. Như vậy lại trở lại như khởi đầu[20].
Chủ thuyết hoài nghi không chấp nhận
cái gì là thật, không chấp nhận một tiêu chuẩn nào để phán đoán.
Không thể chấp nhận nguyên tắc của
những người theo thuyết hoài nghi. Để phản bác thuyết hoài nghi, thánh Augustin
đã cố gắng chứng minh một chân lý, để qua đó chứng minh thuyết hoài nghi là sai
lầm. Chứng minh của thánh nhân như sau: “Tôi sai lầm, vậy tôi hiện hữu”. Sau
này Descartes cũng làm tương tự: “Tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu”[21].
Nói cho cùng, những người theo chủ thuyết hoài nghi vẫn không chấp nhận lập
luận của thánh Augustin và của Descartes, vì họ đâu có chấp nhận sự kiện “tôi
sai lầm” hoặc “tôi suy tư”. Họ hồ nghi cả sự kiện đó!
Những người theo chủ thuyết hoài
nghi khi đứng trên quan điểm này, khi đứng trên quan điểm khác để phê bình. Đây
là những người đòi người khác phải dùng lý luận, còn chính họ lại không bao giờ
chấp nhận tiêu chuẩn nền tảng để lý luận của người khác! Đây là lập luận và yêu
sách không nghiêm chỉnh. Đối với họ, không có tri thức chắc chắn chân thực, cao
nhất là có phần chắc (probable)
đúng.
iii. Quan điểm của Kant
Kant (1724-1804) bị đánh động mạnh
về sự kiện:
·
các khoa học tự nhiên
tiến bộ rất nhiều còn khoa siêu hình lại dẫm chân tại chỗ,
·
hơn nữa trong khoa siêu
hình, có nhiều lập trường mâu thuẫn nhau! Tại sao?
Trong tác phẩm “phê bình lý trí
thuần túy”, Kant đã chứng minh “lý trí thuần túy không thể bàn về vấn đề siêu
hình”, nói cách khác “lãnh vực siêu hình vượt ngoài khả năng của lý trí thuần
túy”. Lý trí thuần túy đã được sử dụng trong lãnh vực ngoài khả năng của nó.
Khi phân biệt phán đoán phân tích và
phán đoán tổng hợp, Kant đã thực hiện theo mẫu một quan niệm khoa học tự nhiên,
và mặc nhiên loại trừ quan niệm khoa học hiểu như hệ thống chân lý được suy
diễn từ chân lý hiển nhiên (kiểu Aristote). Khi tách biệt đối tượng hiện tượng
(objet phénoménal) và đối tượng tự thân (objet réel, noumène), Kant đã cắt đứt
tương quan giữa tự thân (noumène) và hiện tượng (phénomène), giữa sự vật và
siêu hình. Sự phân biệt này cũng nằm trong chọn lựa và giải quyết của Kant:
lãnh vực siêu hình không nằm trong khả năng của lý trí thuần túy[22].
Lý trí thuần tuý không thể biết đối
tượng tự thân (noumène) nhưng chỉ biết đối tượng hiện tượng, tức đối tượng “cho
chúng ta”[23]. Đối tượng
tự thân là thực tại hiện hữu hiển nhiên phải giả sử khi chấp nhận tri thức khoa
học tự nhiên[24].
Thiên Chúa, linh hồn bất tử, tự do
là những thực tại phải được chấp nhận vì hiện hữu mệnh lệnh tuyệt đối “làm lành
lánh dữ”, “phải làm điều này mà không được làm điều kia”. Nói cách khác, không
thể chứng minh bằng lý trí thuần túy sự hiện hữu của Thiên Chúa, linh hồn bất
tử, con người tự do. Những điều này, được đề nghị chấp nhận không phải vì chúng
được chứng minh bởi lý trí thuần lý, nhưng vì nếu không chấp nhận thì không thể
lý giải nổi tại sao lại có mệnh lệnh tuyệt đối luân lý kia.
Nhận xét và phê bình:
Theo Kant, lý trí thuần túy không
thể khẳng định cách có giá trị, sự hiện hữu của Thiên Chúa, sự tự do, linh hồn
bất tử, và những thực tại siêu hình khác; vì khi làm như vậy, nó đã làm điều
vượt ra ngoài khả năng của nó. Nhưng khi Kant khẳng định giới hạn của lý trí
thuần túy như vậy, phải chăng Kant cũng đã làm điều mà Kant cho rằng làm như
vậy là vượt ngoài phạm vi của lý trí thuần túy?
Với Kant, lương tâm chứ không phải mặc
khải, mới thực sự là tiếng nói của Thiên Chúa trong chúng ta. Mặc khải, Đức
Yêsu và Giáo hội không cần thiết. Kitô giáo được giản trừ thành tôn giáo dạy
cách cư xử tốt; Đức Yêsu là người mẫu vì Ngài là người thành toàn về luân lý và
có tâm hồn đặt nơi Thiên Chúa[25].
Tiên đề của Kant hủy hoại siêu hình,
cắt đứt tương quan giữa hữu thể hiện tượng và hữu thể siêu hình.
iv. Chủ thuyết bất khả tri
Theo một nghĩa rộng, người ta dùng
“bất khả tri[26]” để chỉ
những trường phái chủ trương không thể biết đối tượng ngoài tầm giác quan[27].
Bất khả tri là một hình thái đặc thù của thuyết hoài nghi. Thuyết hoài nghi
nghi ngờ mọi khả năng tri thức, còn thuyết bất khả tri cho rằng không thể có
tri thức ngoài tầm của giác quan, và như vậy nó phủ nhận siêu hình như một khoa
học, và cho rằng không thể biết Thiên Chúa. Thường thường bất khả tri là lập
trường của các nhà duy thực nghiệm, duy nghiệm[28].
Thần học công giáo phủ nhận và bài
bác mọi hình thái bất khả tri, thần học công giáo không những chỉ phủ nhận chủ
trương cho rằng con người không thể biết những thực tại ngoài tầm với của giác
quan, mà còn phủ nhận cả chủ trương cho rằng tuy con người có thể biết Thiên
Chúa nhưng không thể chứng minh sự hiện hữu của Ngài bằng lý trí qua những thực
tại hữu hình[29].
b. Nếu Thiên Chúa không
hiện hữu
Một số người cho rằng Thiên Chúa
không hiện hữu, như Feuerbach, K. Marx, A. Camus, J-P. Sartre...!
i. Chỉ có ý niệm Thiên
Chúa
Những người phủ nhận Thiên Chúa hiện
hữu không hề phủ nhận ý niệm “Thiên Chúa”. Khi phủ nhận Thiên Chúa hiện hữu, là
hàm chứa khẳng định có ý niệm Thiên Chúa nơi họ và nơi những người khác.
Những người phủ nhận Thiên Chúa hiện
hữu cho rằng ý niệm Thiên Chúa không phản ánh thực tại khách quan. Họ cho rằng
ý niệm Thiên Chúa là hữu thể của lý trí; Thiên Chúa là ý niệm, là tùy thể chứ
không là hữu thể khách quan độc lập với lý trí con người.
Từ “ý niệm” (hữu thể của lý trí) đến
thực tại (hữu thể khách quan độc lập với lý trí con người), là cả một đoạn
đường dài vô tận! Ý niệm có phản ánh thực tại khách quan không? Ý niệm có là
thực tại khách quan không?
·
Những người theo thuyết
duy danh (nominalisme) cho rằng ý niệm phổ quát là danh từ chỉ một nhóm cá thể
đặc thù[30].
Những đại biểu của trường phái này có thể kể Roscelin (1050-1120) và Guillaume
d'Occam (1300-1349).
·
Những người theo thuyết
duy niệm (còn được gọi duy danh ôn hòa, so với duy danh cực đoan trên) cho rằng
có những ý niệm phổ quát trong trí, nhưng những ý niệm này không tương ứng gì
với thực tại[31]. Triết gia
tiêu biểu là Abébard (1079-1142)[32].
·
Những người theo thuyết
duy thực ôn hòa cho rằng những gì ý niệm phổ quát chỉ, có nơi sự vật, có tương
quan với thực tại[33].
·
Những người theo thuyết
duy thực cực đoan cho rằng ý niệm phổ quát có thực, hiện hữu độc lập với cái cụ
thể đặc thù nữa[34].
Hữu thể của lý trí và hữu thể khách
quan độc lập với lý trí con người, là hai cấp độ hữu thể khác nhau. Từ “ý niệm”
đến “thực tại khách quan” có cả một khoảng cách xa vời!
·
Với Feuerbach, con
người tạo ra Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa” là ý niệm của lý trí con người chứ
không có “Thiên Chúa hiện hữu như thực tại khách quan”.
·
Với Platon và
Descartes, con người có ý niệm Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện hữu đích thực như
thực tại khách quan vì ... ý niệm phản ánh thực tại.
·
Với Ansèlme (1033-1109),
ý niệm trọn hảo đòi hỏi hiện hữu, vì bất cứ cái gì dù tốt đến đâu mà chỉ là sản
phẩm của trí khôn thì đâu đã là tốt trọn hảo! Vì vậy, ý niệm “Thiên Chúa” hiểu
“Thiên Chúa” là thực tại tuyệt đối, tuyệt hảo, tốt trên tất cả sự tốt, nên
“Thiên Chúa” phải hiện hữu; nghĩa là ý
niệm Thiên Chúa phải phản ánh Thiên Chúa thực tại, vì nếu không, Thiên Chúa không phải là cái tuyệt hảo.
Không hiện hữu, thì chưa tốt lắm; cái tuyệt hảo, phải là cái hiện hữu[35].
Hữu thể của lý trí, do lý trí tạo ra
trong tương quan với thực tại, đó là những ý niệm. Còn ý niệm “Thiên Chúa”? Nếu
ai chấp nhận lập trường quan điểm của Feuerbach, thì vẫn còn câu hỏi “tại sao
con người lại có khuynh hướng phóng chiếu như vậy?”, phải chăng cơ cấu của lý
trí con người là như vậy? phải chăng con người được tạo thành để hướng về Thiên
Chúa?
ii. Không có Thiên Chúa
Với Feuerbach, Thiên Chúa chỉ là
phóng chiếu của con người; con người phóng chiếu những gì là tốt lành trọn hảo
nơi mình lên cái gọi là Thiên Chúa. Thiên Chúa không hiện hữu khách quan như
một thực tại.
K. Marx chủ trương duy vật: từ đời
đời đã có vật chất, tinh thần là kết quả của sự biến dịch và chuyển biến từ
lượng đến phẩm. Vật chất có mâu thuẫn nội tại, và những mâu thuẫn này là nguyên
nhân của sự thay đổi biến dịch, vì thế vật chất không cần nại vào nguyên lý
kinh viện “quidquid movetur ab alio movetur”[36].
Albert Camus chứng minh Thiên Chúa
không hiện hữu bằng sự hiện hữu của sự ác. Thiên Chúa là Đấng tốt lành và quyền
năng vô cùng[37]; thế mà sự
ác và đau khổ hiện diện tràn lan trên mặt đất; vậy phải kết luận hoặc Thiên
Chúa không toàn năng hoặc Thiên Chúa không tốt lành, và như vậy Thiên Chúa
không hiện hữu.
Jean-Paul Sartre cũng chứng minh
Thiên Chúa không hiện hữu! Thiên Chúa là Đấng quyền năng, toàn tri, và quan
phòng tất cả; nếu Thiên Chúa toàn tri thì con người đâu còn tự do nữa, mà nếu
con người tự do thì Thiên Chúa đâu có toàn tri! Mà thực sự con người có tự do,
vậy phải kết luận rằng Thiên Chúa không hiện hữu.
Người ta chỉ chứng minh dựa vào một
tiêu chuẩn nào đó. Nếu người ta chứng minh được Thiên Chúa hiện hữu, thì Thiên
Chúa cũng thuộc về cùng một bình diện được chứng minh.
Nếu muốn nói chứng minh Thiên Chúa
hiện hữu, thì phải hiểu đây chỉ là những dấu chỉ, cho thấy Thiên Chúa hiện hữu.
Biết Thiên Chúa hiện hữu, đó thuộc bình diện tin.
a. Triết lý như phương
tiện
Có nhiều hệ thống triết lý nhằm giải
thích vũ trụ vạn vật, và tất cả đều hàm chứa một quan niệm về tri thức. Quan
niệm nào đúng? quan niệm nào phản ánh đúng sự thật nhất?
i. Platon
Platon (428-348), là học trò trực
tiếp của Socrate; động lực suy tư của Platon chính là cái đã làm Socrate bận
tâm.
Socrate đã coi nguồn gốc tội nơi con
người là sự ngu dốt, và ông nỗ lực làm cho mọi người hiểu biết; phương châm của
Socrate là “hãy biết mình”[38].
Platon và Socrate đều chịu ảnh hưởng
của trào lưu tư tưởng đương thời:
“con
người là thước đo vạn vật” của Protagoras[39],
“tất
cả là biến dịch” của Héraclite,
“chỉ
có hữu thể, ngoài ra không có gì cả” của Parménide[40].
Bận tâm của Platon là làm sao biết
đúng để sống tốt[41]! Nếu mỗi
người là thước đo vạn vật thì đâu là chân lý khách quan. Đối với Platon, con
người có tri thức là điều tự nhiên không thể chối cãi, vấn đề chính:
làm
sao giải thích tri thức này,
làm
sao dung hòa tư tưởng của Héraclite và Parménide.
Tiên đề của Platon là thế giới ý
niệm. Con người biết, biết cái tổng quát lẫn cái đặc thù, vì linh hồn con người
đã tiền hữu ở thế giới ý niệm; con người biết vì linh hồn nhớ lại những gì đã
biết khi ở trên thế giới ý niệm, vì những gì vô thường biến dịch ở thế giới khả
giác này đều là phản ánh của thế giới ý niệm thường hằng.
ii. Quan điểm được chọn
Khởi từ sự kiện con người có thể
biết những đồ vật chung quanh bằng các giác quan, và qua tri thức giác quan này
người ta có tri thức trí tuệ (phản tỉnh và siêu vượt). Khi nói lý trí con người
có thể biết các hữu thể, hàm chứa các hữu thể có tương quan hữu cơ với nhau;
nghĩa là, con người và các hữu thể có tương quan với nhau; nói chi tiết hơn,
giữa lý trí cũng như ngôn ngữ con người có tương quan hữu cơ bền vững với các
hữu thể khác.
Nếu phủ nhận tương quan giữa các hữu
thể, tức phải phủ nhận tri thức của con người. Không có tương quan hữu thể, thì
lý trí không thể biết các sự vật, không thể biết các quy luật chi phối chúng.
Khoa siêu hình nói về điều
này bằng phạm trù “hữu thể khả tri” (l'être est intelligible).
Platon cho biết quan niệm của
Parménide “tư duy và hữu thể là một”. “Tự bản chất, hữu thể khả tri và hợp lý”[42].
Aristote
cho rằng “cái càng hiện hữu, thì càng thật”[43].
Thánh
Thomas Aquinô cũng nói “bất cứ cái gì có thể hiện hữu, thì có thể hiểu được”[44].
Thời kinh viện, người ta nói “Hữu
thể, chân lý, thiện hảo, hoán chuyển được lẫn nhau[45]”
và “mọi hữu thể đều chân thực[46]”.
K. Rahner phát biểu “hữu thể tự bản
chất tỏa sáng[47]”.
Cái gì có và xảy ra đều có một lý do
giải thích thỏa đáng tại sao nó có và xảy đến[48].
Điều này được các nhà siêu hình gọi là nguyên lý túc lý.
Hiện hữu, là có thể
được tra vấn. Người ta không thể tra vấn cái gì đó mà người ta không thể biết,
hoặc không biết chút gì về cái đó[49].
Nếu hữu thể không khả tri thì ta không thể đặt vấn đề khả tri của hữu thể. Mệnh
đề “hữu thể bất khả tri” là một mệnh đề mâu thuẫn[50].
Cái mà lý trí tri nhận đầu tiên, là
hữu thể[51].
Người ta thường nói: “có cái gì đó”, “cái gì hiện hữu”. Khi nói như vậy hàm
chứa, “hiện hữu” là cái được tri nhận đầu tiên; và “cái gì” (yếu tính), là cái
có thể được tra vấn. Hiện hữu, xét như hành vi hiện hữu, là cái mà nhờ đó yếu
tính được xác định[52].
Khái niệm chân lý không là khái niệm
trực tiếp[53], nhưng là
khái niệm phản tỉnh. Đầu tiên lý trí tri nhận hiện hữu, sau mới tới tính chân
thực[54].
Các mệnh đề “ens verum bonum
convertuntur”, “omne ens est verum”, và mệnh đề “hữu thể là tri thể” của K.
Rahner, không được hiểu theo nghĩa của thuyết duy tâm với Hegel “hữu thể và tri
thể luôn đồng nhất”[55];
nhưng phải được hiểu: hữu thể là tri thể theo mức độ hiện thể sở hữu hữu thể[56].
Hữu thể khả tri theo mức độ hữu thể, theo mức độ hiện thể sở hữu hữu thể, theo
mức độ hiện thể có khả năng hiện diện với mình, trở lại trên chính mình[57].
Hiện thể hiện hữu theo những mức độ
tham dự hữu thể khác nhau. Mức độ hữu thể khác nhau cũng còn có thể được gọi là
tỷ lệ hữu thể, loại suy hữu thể. Sự trở về lại chính mình, hiện diện với mình,
là nguyên tắc cấu thành những mức độ hữu thể khác nhau. Một hữu thể càng khả
tri càng tham dự vào hữu thể. Mức độ khả tri tỷ lệ với mức độ hữu thể[58].
b. Biết Thiên Chúa hiện
hữu
Tri thức nhân loại như thường được
quan niệm, hàm chứa tất cả hữu thể có một tương quan hữu cơ; vì nếu lý trí,
ngôn ngữ và thực tại, không có tương quan hữu thể nào đó, thì con người không
thể biết sự vật và cũng không thể diễn tả hoặc thông đạt chúng. Lập trường quan
điểm này khác với:
·
Gorgias, vì Gorgias đặt
tương quan hữu thể khả giác với thế giới ý niệm hơn là giữa các hữu thể với
nhau;
·
những người theo chủ
thuyết hoài nghi, vì họ chỉ nhận tri thức giác quan và phủ nhận tương quan hữu
thể, cụ thể là phủ nhận tương quan của lý trí với vạn sự.
·
Kant, vì Kant chỉ giới hạn
khả năng của lý trí vào hữu thể khả giác và loại trừ khả năng của lý trí thuần
lý vươn tới thực tại siêu hình (nếu có). Cũng tương tự như vậy đối với những
người chủ trương “bất khả tri”;
·
Hegel và Marx, vì cả
hai đều có cái nhìn không đúng đắn và trung thực về con người và về thế giới;
Hegel đặt nặng tinh thần và giản lược vật chất, còn Marx lại quá đặt nặng vật
chất và phủ nhận hữu thể tinh thần;
·
Camus và Sartre, vì cả
hai có cái nhìn “hẹp” về hữu thể (phủ nhận hữu thể siêu vượt tuyệt đối).
Trung thực mà nói, quan niệm về tri
thức giả thiết tri thức về con người. Một cái nhìn đúng đắn và trung thực về
con người, sẽ giúp có quan niệm đúng đắn và chân thực về tri thức của con người
và về vạn sự vạn vật.
i. Tôi là hiện hữu bất tất
Tôi là một hiện hữu bất tất.
Đó là cái nhìn nền tảng về con
người, về nhân học. Tôi không thiết yếu phải có trên đời, giả như không có tôi,
cũng có những người khác. “Có mợ thì chợ cũng đông, không mợ thì chợ vẫn không
vắng người”!
ii. Hữu thể tất yếu
Nếu “tôi là một hiện hữu bất tất”,
thì phải có một hiện hữu tất yếu. Nếu không có hữu thể tất yếu, thì đã không có hữu thể bất tất. Bất cứ khi nào
khẳng định một hiện hữu bất tất, hàm chứa khẳng định một hiện hữu tất yếu. Nếu
khẳng định một hiện hữu bất tất mà không khẳng định một hiện hữu tất yếu, là
phủ nhận lý trí, phủ nhận khả năng tri thức của lý trí.
Ở đây bỏ qua chuỗi mắt xích cần
thiết tương đối[59] để theo lý
luận vượt lên tới hiện hữu tất yếu. Nói rõ hơn, một hiện hữu bất tất hàm chứa
hiện hữu tất yếu tuyệt đối.
Một hữu thể bất tất hiện hữu, theo
lý luận hàm chứa một hiện hữu tất yếu tuyệt đối. Giả như chứng minh được có
nhiều hiện hữu bất tất độc lập với nhau tuyệt đối, hàm chứa có nhiều hiện hữu
tất yếu tuyệt đối; nhưng điều này không được chứng minh, mà trái lại những hữu
thể bất tất đều liên hệ với nhau[60].
Cứ theo luận lý, có thể có những hiện hữu tất yếu tuyệt đối, nhưng đây chỉ là
có thể, không đồng nghĩa với khẳng định “thực có nhiều hiện hữu tất yếu”[61].
Bởi một hữu thể tất yếu, có thể có
nhiều hữu thể bất tất. Những hiện hữu bất tất như con người biết, đều tùy phụ
vào nhau; như vậy theo lý luận hàm chứa một hiện hữu tất yếu tuyệt đối. Hiện
hữu tất yếu tuyệt đối có thể được gọi bằng nhiều tên như Thiên Chúa, Đấng tuyệt
đối, Đấng tự hữu...
Với lý trí, con người có thể khẳng
định sự hiện hữu của Thiên Chúa như hữu thể tất yếu tuyệt đối; nghĩa là, con
người có khả năng tri thức Thiên Chúa.
Thiên Chúa là một tên gọi khác của
hiện hữu tất yếu tuyệt đối. Hiện hữu tất yếu tuyệt đối là hiện hữu nhờ đó hiện
hữu bất tất “tôi” hiện hữu.
Khi khẳng định tôi là hiện hữu bất
tất, hàm chứa khẳng định hiện hữu tất yếu tự
do thực hiện hành vi, qua đó hữu thể bất tất hiện hữu. Hiện hữu tất yếu
tuyệt đối, thực hiện hành vi “hữu thể bất tất” hiện hữu hay không, là tự ngài do ngài, tự do ngài.
Hiện Hữu Tất Yếu Tuyệt Đối là Hiện Hữu Tự Do, là Hiện Hữu Tự Do Tuyệt Đối.
a. Tự do
Với tri thức đã giả sử như tiên đề,
chúng ta thấy vật thể[62]
không có tự do; chúng tất yếu phải tuân theo các định luật thiên nhiên, và
không thể không theo các luật thiên nhiên đó.
Giác
thể[63]
cũng không có tự do, vì chúng cũng phải theo những định luật, những bản năng
cách tất yếu, chẳng hạn như bản năng sinh tồn, bản năng tính dục...; những hữu
thể thuần giác quan[64]
không thể cưỡng lại những đòi hỏi của bản năng, chúng tất yếu phải sống và hành
động như vậy.
Con người, có tri thức và có tự do
làm hay không làm điều này hay điều kia, và có thể không theo những bản năng
của con người, chẳng hạn bản năng sinh tồn, khi họ dám hiến mạng sống mình cho
người khác, sẵn sàng chết để kẻ khác được sống[65].
Như vậy, chỉ có hữu thể sở hữu tri thức siêu vượt mới là hữu thể tự do.
Hữu thể tự do là hữu thể tri thức
chính mình, hữu thể phản tỉnh và siêu vượt[66].
Con vật cũng có tri thức giác quan, nhưng không có tri thức phản tỉnh, tri thức
chính mình (phán đoán về chính mình).
b. Tinh thần
Nếu gọi hiện hữu tự do là tinh thần,
thì hiện hữu tất yếu[67]
còn được gọi là tinh thần tuyệt đối[68].
Nói cách khác, tinh thần là hiện hữu tự do, có tri thức chính mình- phản tỉnh,
trở về với chính mình- và siêu vượt.
Vật thể tuân theo những quy luật tự
nhiên cách tất yếu. Cả với những sinh vật sống theo bản năng, nó luôn sống theo
bản năng và không thể làm khác vì nó không là hữu thể tự do. Tất cả những hiện
hữu này không có tự do, và như vậy người ta có thể biết những gì sẽ xảy ra nơi
chúng khi người ta biết các định luật-vật lý hay tâm lý- chi phối chúng.
c. Tự do- cấu tố làm nên
lịch sử
Chuỗi hành động của hữu thể tự do là
lịch sử. Với hiện hữu tuyệt đối tự do, không thể lường trước được những hành vi
Ngài thực hiện. Ngài hành động rồi con người mới biết. Chẳng hạn không gì buộc
Ngài phải tạo dựng vũ trụ hoặc con người, chỉ khi Ngài thực hiện hành vi để
những hiện hữu bất tất hiện hữu, con người mới biết Ngài đã thực hiện những
điều đó.
Mỗi hành vi tự do của hữu thể tự do,
đều tỏ lộ về hữu thể tự do. Hiện hữu tự do, tự bản chất, luôn luôn mới, luôn
luôn tạo ra lịch sử[69].
Khi hiện hữu tất yếu tự do tạo dựng
hiện hữu “người” như một ngôi vị, hiện hữu tự do tỏ cho thấy hiện hữu tự do là
hiện hữu tình yêu[70].
Hiện hữu tự do luôn luôn có thể thực
hiện một hành vi bất tất mà người ta không thể biết trước được, và như vậy hiện
hữu tự do luôn luôn là một mầu nhiệm. Hiện hữu tự do có thể rất “mới[71]”
khi thực hiện một hành vi bất tất.
Hiện hữu tất yếu tự do, là hiện hữu
luôn luôn mới. Nếu Ngài mặc khải, con người hiểu biết hơn về Ngài, nhưng không
bao giờ hiểu trọn vẹn về Ngài, vì Ngài là hiện hữu tự do. Mỗi hành vi của Ngài
đều là hành vi mặc khải, và qua đó cho thấy Ngài là hiện hữu tất yếu tự do
“mới”, trong sáng và tuyệt mỹ hơn trước.
Nếu hiện hữu tất yếu tự do không
thực hiện hành vi tạo dựng con người, con người không hiện hữu và không biết về
Ngài. Ngài cũng có thể chỉ tạo dựng con người và không tiếp
tục mặc khải cho con người, vì Ngài là hiện hữu tuyệt đối tự do. Nói theo ngôn
từ của K. Rahner, Thiên Chúa là Đấng tốt lành và thánh thiện, nhưng điều này không hàm chứa Thiên Chúa phải cứu độ con người[72].
Khởi từ sự kiện con người có tri
thức về những vật thể qua giác quan, và với khả năng của lý trí, con người đã
vươn lên nhận biết sự hiện hữu của hữu thể tất yếu tuyệt đối.
Một lý giải về lý trí và tri thức.
a. Lý trí
Trí khôn hay lý trí là yếu tố cấu
thành của con người xét như tinh thần nhập thể. Nói theo ngôn từ của thánh
Thomas Aquinô, lý trí là mô thể lập hữu[73].
Trí khôn có nhiều khả năng (trí năng) như nhớ (trí nhớ), tưởng tượng (trí tưởng
tượng), suy luận (lý trí) để đi tới phán quyết[74].
Phán quyết này có thể:
tạo
thành tri thức giác quan như khi khẳng định “cái bàn này trắng” v.v...,
hoặc
có thể tạo thành tri thức siêu việt do suy luận, như “tôi là hữu thể bất tất,
vậy phải hàm chứa có hiện hữu tất yếu, vì nếu không, đâu có hiện hữu bất tất là
tôi”,
hoặc
làm thành tiếng lương tâm khi phán quyết về chính hành vi cư xử của mình như
“tôi không được làm như vậy vì làm như vậy là trái phẩm giá con người, tôi phải
làm điều kia vì như vậy tôi mới sống xứng đáng làm con Chúa, v.v...”.
Trí tưởng tượng (phantasia) vận hành
với những ảnh tượng (phantasma, phantasmata) và thường ở tình trạng vô thức.
Các vật thể được tiếp nhận qua giác quan và hình thành các ảnh tượng
(phantasma, phantasmata) nơi trí não. Lý trí trừu xuất từ những ảnh tượng này,
để có những ảnh niệm[75].
Ảnh niệm (species intelligibilis) có thể được hiểu là ý niệm (eidos[76]),
dùng để chỉ cái phổ quát đã được trừu xuất từ những vật cụ thể. Qua trung gian
những ảnh niệm, lý trí với khả năng suy luận tạo thành những ý niệm mới hoặc
những quan niệm, chẳng hạn tự do, công bằng, bác ái[77]...
Không sai lầm với ảnh tượng, ảnh
niệm. Sai lầm và chân thực chỉ có khi phán đoán; chẳng hạn khi khẳng định “đó
là cái bàn”, “cái bàn này màu trắng”, “anh đó là người bác ái”...! Chỉ có tinh
thần, mới có thể tự phán đoán hay đánh giá mình đúng sai. Đánh giá đúng sai, là
phán đoán về phán đoán của con người[78],
kể cả mình.
i. Ảnh tượng
K. Rahner trích dẫn tác phẩm thánh
Thomas chú giải Aristote “linh hồn không có tri thức trí tuệ nếu không trở lại
với ảnh tượng[79]”. Thánh
Thomas cho rằng yếu tính của lý trí con người phải được xác định khởi từ việc
kết hợp với thân xác, và sự kết hợp này được diễn tả trong conversio
intellectus ad phantasma, nghĩa là trở lại với trí tưởng tượng[80].
K. Rahner đã thấy vấn đề trở về với
ảnh tượng (conversio ad phantasma) là vấn đề khả thể của siêu hình học, và K.
Rahner cho rằng có thể xây nền siêu hình học của mình dựa trên S.T. I, q. 84,
a.7: “Liệu lý trí có thể biết nhờ những ảnh niệm có nơi mình, mà không trở về
với ảnh tượng không (Utrum intellectus possit actu intelligere per species
intelligibilis quas penes se habet, non convertendo se ad phantasma)[81]?”.
Theo thánh Thomas, ảnh tượng là khởi
đầu của tri thức con người vì khởi từ nó lý trí hoạt động[82].
Đối tượng của lý trí là ảnh tượng[83],
nhưng đối tượng riêng của lý trí là yếu tính của sự vật như được trừu xuất và
không tách rời khỏi sự vật khả giác[84].
Ảnh tượng là cái tương tự của sự vật khả giác[85].
ii. Ảnh niệm
Ảnh niệm (species intelligibilis),
theo thánh Thomas, không là đối tượng của lý trí, nhưng là cái nhờ đó mà lý trí
biết[86].
Ảnh niệm không có nghĩa là một “hình ảnh hữu ý” nào đó, nhưng là sự hoàn hảo
hữu thể của tinh thần xét như hiện thể[87],
là yếu tố làm tri thức có nền tảng khả hữu nội tại[88].
iii. Trừu xuất và siêu
vượt
Trừu xuất (abstractio), trở lại với
ảnh tượng (conversio ad phantasma), và siêu vượt (excessus), là những khả năng
của lý trí (intellectus), là những tiến trình để tri thức.
Trừu xuất, xét như nó là sự thủ đắc
ý niệm phổ quát, là thực hiện việc trở lại của chủ thể với chính mình (reditio
subjecti in seipsum)[89].
Bởi trừu xuất, con người nắm bắt cái tổng quát trong cái đặc thù, và nhờ đó có
phán đoán[90]. Khả năng
trở lại hoàn toàn với chính mình, là nét đặc trưng cơ bản của lý trí[91].
Trở lại với ảnh tượng (conversio ad
phantasma) là tính chất riêng và nội tại của chính hành vi trừu xuất[92].
Trừu xuất và trở lại với ảnh tượng, không được coi là hai thời kế tiếp nhau,
nhưng cả hai đều là điều kiện hỗ tương, và tạo thành tri thức duy nhất của con
người[93].
Tuy chúng được đề cập kế tiếp nhau, và được xét như những tiến trình kế tiếp
nhau, nhưng thật sự chúng là một để làm thành tri thức nơi con người.
Siêu vượt ở đây là từ ngữ dùng để
dịch chữ la-tinh excessus, nhưng chữ siêu vượt (hay siêu việt) thường được dùng
để dịch chữ transcendance (tiếng Anh và Pháp). Với K. Rahner, tiền dự
(anticipation, Der Vorgriff) là siêu vượt[94].
Theo thánh Thomas, siêu vượt
(excessus) cần thiết để lãnh hội các đối tượng của khoa siêu hình, mặc dầu cái
khả giác vẫn được coi như vùng đất thường trực của tri thức con người[95].
Ở một chỗ khác, siêu vượt và phủ nhận (remotio) xuất hiện như những điều kiện
thủ đắc đối tượng siêu hình[96].
Theo K. Rahner, tiền dự là sự siêu
vượt của tinh thần, nhờ đó mà tinh thần lãnh hội cái đặc thù, bằng việc nhìn
vượt qua nó hướng về khoảng tuyệt đối của các đối tượng có thể có[97].
Để hiểu một yếu tính phổ quát tự bản chất là vô giới hạn, dù rằng yếu tính phổ
quát này được kinh nghiệm trong cái khả giác, thì đầu tiên lý trí phải lãnh hội
rằng yếu tính này được giới hạn trong và nhờ cái khả giác này. Nhưng để ý thức về sự giới hạn này, thì hành vi
lãnh hội cái khả giác đặc thù này phải siêu vượt nó để hướng về cái gì hơn nữa.
Cái gì hơn nữa này không thể là một đối tượng đặc thù cùng loại, vì nếu không,
lại phải siêu vượt qua nó nữa... Như vậy khi lãnh hội một đối tượng đặc thù, ý
thức vượt lên trên cái đối tượng đặc thù, và lãnh hội nó không chỉ trong cái này (giới hạn và riêng rẽ) mà còn
trong tính hữu hạn của nó, cũng như trong tương quan của nó với cái toàn thể
của những đối tượng có thể có[98].
Khả năng của lý trí để trừu xuất
(abstractio, reditio in seipsum) và siêu vượt (transcendance, tiền dự
anticipation) gọi là lý trí tác động ((intellectus agens). Lý trí tác động là
khả năng nhận biết đối tượng trực giác qua giác quan như thực tại giới hạn và
cụ thể, và như vậy lý trí tác động phổ quát hóa mô thể nơi cái khả giác, và
giải phóng mô thể khỏi cái đặc thù vật chất[99].
Lý trí tác động là nền tảng của mọi nguyên tắc, là nền tảng của tri thức[100].
b. Tri thức
Thể tri không là sự tiếp xúc của lý
trí với sự vật[101],
không là một hành động (sản phẩm của hành vi lãnh hội) nhưng là một hiển thể,
nghĩa là một thực tại hiện diện với chính mình[102].
Thể tri là hiện diện với chính mình, là tình trạng phản tỉnh trên chính mình
của một hữu thể có khả năng được xác định[103].
Theo thánh Thomas, thể tri[104]
là sự trở lại chính mình của tri thể[105]
và như vậy, là hiện diện với chính mình[106].
Tri thể (cognoscens) và cái được biết (cognitum) là một trong hiển thể[107].
Lý trí và cái được biết là một[108].
Cái được biết là sự trọn hảo của tri thể[109].
Như vậy cái được biết luôn luôn là hữu thể của tri thể[110].
Tri thức, một cách tổng quát, là
hiện diện với mình của hữu thể, là hữu thể phản tỉnh, là sự trở về trên chính
mình (reditio in seipsum). Nhưng đối với con người, tri thức hàm chứa phải hiện
diện với thế giới, phải ở nơi tha thể trong giác thể[111].
Thánh
Thomas diễn tả điều này trong ST. I, q. 84, a. 7, corp.: “impossibile est
intellectum nostrum, secundum praesentis vitae statum, quo passibili corpori
conjungitur, aliquid intelligere in actu, nisi convertendo se ad phantasmata”[112].
Tri thức hệ tại phán đoán. Cái riêng
của lý trí là khẳng định hoặc phủ định[113];
và chỉ lý trí mới biết chân hoặc giả, chân lý hoặc sai lầm[114].
Và như ở trên đã thấy, lý trí không thể biết gì nếu không nhờ ảnh tượng. Chính
quan niệm này giúp xác định môi trường mặc khải.
Thiên Chúa tự do, Ngài tự do mặc
khải, hoặc tự do không mặc khải. Mặc khải hay không, là hoàn toàn tùy thuộc
Thiên Chúa[115]. Trên bình
diện thuần lý trí, trước khi Thiên Chúa mặc khải cho con người, lý trí không
biết Thiên Chúa có mặc khải cho con người hay không. Hữu thể tự do luôn là một
mầu nhiệm, hữu thể tự do luôn luôn mới, mỗi hành vi hành động của hữu thể tự do
đều là những sáng tạo bất ngờ[116].
Giả như Thiên Chúa mặc khải cho con
người, thì đâu là môi trường, đâu là phương tiện Ngài dùng để mặc khải cho con
người?
Vì Thiên Chúa là hữu thể tự do, nên
không thể định trước cho Ngài môi trường, cách thức hay phương tiện. Những điều
này, hoàn toàn tùy thuộc Ngài. Nhưng nếu Ngài mặc khải cho con người thì Ngài
chỉ mặc khải những điều con người có thể lãnh hội được[117].
Nếu cứ ở điều kiện hiện tại, tức điều kiện cấu thành con người hiện tại[118],
người ta có thể dựa vào cơ cấu con người hiện tại để xác định môi trường mặc
khải, nếu có và thực sự đã có, của Thiên Chúa cho con người.
a. Mặc khải qua lời
Lời, theo tiếng Hy lạp, có hai
nghĩa: nghĩa thứ nhất là lý trí, nghĩa thứ hai là lời; và từ hai nghĩa chính
này, chúng ta thấy có nhiều nghĩa khác[119].
Lời (DABAR), theo tiếng Do thái, có nghĩa là lời nói, sự vật, và cả lý trí nữa[120].
Lời là tên làm cho sự vật có thể hiểu được[121].
Như vậy, lời (Logos, Dabar) là lời nói, là sự vật, là lý trí.
Lời là thực tại làm cho con người có
thể hiểu một thực tại. Như vậy, tất cả những gì làm cho con người, làm cho lý
trí con người có thể hiểu một thực tại đều được gọi là lời[122].
Bao lâu con người chưa được hưởng
kiến trực tiếp Thiên Chúa, thì mặc khải được thực hiện qua lời[123],
vì ở điều kiện hiện tại của con người, con người tri thức nhờ các ý niệm, ảnh
tượng, các sự vật khả giác. “Lời” ở đây không chỉ là dấu chỉ của sự vật khả
giác nhưng còn là dấu chỉ của tinh thần[124].
b. Mặc khải như biến cố
lịch sử
Lịch sử là một chuỗi biến cố của một
hay nhiều hiện hữu tự do; nếu không có tự do, không có lịch sử. Ở đâu có tự do,
thì ở đó luôn luôn có một chuỗi biến cố mà người ta không có thể tính toán và
diễn dịch khởi từ một nguyên tắc tổng quát[125].
Hiểu lịch sử như vậy, những hiện hữu
bất tất tùy thuộc hiện hữu tuyệt đối tự do đều là những dấu chỉ, là lời để con
người tri thức, là lời để con người nhận biết hiện hữu tuyệt đối tất yếu. Tương
tự thế, những hành vi tự do của một ngôi vị tự do, cho con người biết hơn về
ngôi vị ấy; cũng vậy, những hành động của hiện hữu tất yếu mà con người có thể
tri thức được, cũng giúp con người có thể biết hơn về hiện hữu tất yếu tuyệt
đối tự do.
Như vậy, lịch sử xét như là lời,
giúp con người tri thức về hiện hữu tuyệt đối. Nói cách khác, nếu Thiên Chúa
mặc khải cho con người trong hoàn cảnh điều kiện tại thế, tạo thành lịch sử[126],
thì con người có thể ngang qua lịch sử đó -tức là lời, nhận biết được thực tại
mặc khải. Nói như vậy không có nghĩa, tất cả những gì Thiên Chúa hành động con
người cũng biết; vì tri thức con người phải qua giác quan và những vật khả
giác, nên con người chỉ có thể biết khi Thiên Chúa muốn mặc khải, và Ngài mặc
khải qua lời.
Như vậy, mặc khải hay không, tùy
thuộc hoàn toàn nơi Thiên Chúa, vì Ngài là hiện hữu tuyệt đối tự do; và nếu
Thiên Chúa mặc khải cho con người, thì lịch sử là nơi Thiên Chúa mặc khải cho
con người, và con người phải luôn lắng nghe và để ý tới lịch sử, vì đây chính
là môi trường Thiên Chúa mặc khải cho con người[127].
Khởi từ tri thức về vạn sự vạn vật
qua giác quan và với khả năng suy luận của lý trí, con người nhận ra hữu thể có
một tương quan mật thiết với nhau. Cũng từ tri thức giác quan và với khả năng
suy luận, con người nhận ra mình là hiện hữu bất tất, và từ đó nhận biết Hữu
Thể Tất Yếu Tự Do.
Tất cả đều hiện hữu, nhưng các hữu
thể hiện hữu theo những mức độ khác nhau. Hữu thể sở hữu hữu thể tùy mức độ tri
thức, theo mức độ hữu thể hiện diện với chính mình[128].
Hữu thể được gọi là vật thể, khi hữu
thể này khả tri với hữu thể khác nhưng lại ẩn dấu với chính nó, nó không thể
trở lại chính mình. Hữu thể được gọi là giác thể, khi tri thức của hữu thể có
đối tượng trước tiên là vật thể[129].
Hữu thể được gọi là tinh thần khi hữu thể có thể trở về chính mình.
a. Tinh thần nhập thể
Con người không chỉ là giác thể, tức
là có tri thức vật thể bằng hành vi hiện hiện nơi tha thể, nhưng con người còn
là tinh thần, vì con người có khả năng trở về chính mình (reditio completa in
seipsum)[130]. Chính
trong thân xác và qua thân xác mà con người là tinh thần. Con người là tinh
thần nhập thể[131].
i. Tri thức tự do
Con người, ngoài tri thức giác quan
còn có khả năng suy tư trên cái biết giác quan. Chẳng hạn nhìn trái táo rơi,
con người có thể suy tư tìm hiểu để khám phá ra định luật chi phối vật thể. Dầu
vậy tri thức này cũng chỉ nằm ở bình diện sự vật.
Ngủ mơ thấy mình là bướm, tỉnh dậy
không biết có phải mình là bướm đang mơ?! Lúc đó là mơ hay lúc này mới là mơ,
bây giờ là mơ hay thực! (Trang Tử).
Tôi
sai lầm, vậy tôi hiện hữu (Augustin).
Tôi
suy tư, vậy tôi hiện hữu (Descartes).
Cái
tuyệt hảo, phải hiện hữu; vì nếu không hiện hữu thì không là tuyệt hảo
(Anselme).
Tôi
là hiện hữu bất tất, vậy phải có hiện hữu tất yếu.
Trên
đây là những tri thức, nhưng những tri thức này không còn thuộc bình diện vật
thể. Những tri thức này khởi từ tri thức vật thể giác quan, nhưng đã không dừng
lại mà vượt trên bình diện vật thể. Với tri thức này, con người trở thành tinh
thần, con người đã qua tri thức giác quan để trở về chính mình, con người không
dừng lại nơi sự vật, nhưng vươn lên cái siêu vượt. Con người trở thành tinh
thần tự do. Con người có
thể chỉ dừng lại nơi sự vật, hoặc con người có thể vươn lên hiện hữu tất yếu.
Người ta thường nghe nói “con người tự
do” “ý chí tự do”, nhưng dường như không nghe nói “tri thức tự do”. Người ta
thường cho rằng tự do và lý trí không liên hệ với nhau, nhưng thực sự tri thức
cũng liên hệ tới tự do vì lý trí cũng bị ảnh hưởng bởi ý chí tự do. Khi nói tri
thức tự do, phải hiểu theo văn mạch này[132].
Con người là tinh thần, theo K.
Rahner, nghĩa là, con người trong cuộc sống luôn hướng về tuyệt đối, luôn khai
mở với Thiên Chúa[133].
Con người là tinh thần nhập thể, nghĩa là, con người hiện diện với mình, trở về
với mình qua việc quy về ảnh tượng (phantasma). Con người hiện diện với chính
mình qua vật thể chứ không lệ thuộc vật thể[134].
Tự do, đối với K. Rahner, là vượt
trên tri thức giác quan, vượt trên cảm tính; đó là tự do của tinh thần. Tự do
theo nghĩa này, là một tên gọi khác của tiền dự (anticipation), là khả năng
vượt qua tri thức vật thể để hướng về hữu thể tất yếu[135].
Con người không dừng lại nơi vật thể, nhưng luôn vươn lên vượt trên vật thể, đó
mới là tinh thần; lúc đó tri thức của con người là tri thức tự do. Nếu tri thức
của con người chỉ dừng lại nơi vật
thể thì tri thức đó không tự do, hay nói đúng hơn, con người đó không tự do.
Con người có thể trở về với mình
bằng tri thức phản tỉnh, có thể vươn lên khỏi vật thể để hướng tới siêu việt
thể, đó là tinh thần. Con người là tinh thần, nghĩa là có thể dừng lại nơi vật
thể hay vươn lên siêu việt thể. Lý trí không chỉ dừng lại nơi sự vật nhưng vươn
lên siêu việt thể, đó là lý trí tự do. Bây giờ chúng ta sẽ xét về ý chí nơi con
người.
ii. Ýchí tự do
Ý chí hay ý muốn, là hành vi của
hiện hữu mà nếu không có hành vi này, một hữu thể bất tất không thể hiện hữu.
Ý chí là hành vi tự do của hiện hữu,
là hành vi tự do của hữu thể tinh thần. Nếu một hữu thể bất tất có thể hiện hữu nhờ một “hiện hữu[136]”,
hàm chứa “hiện hữu này” tự do. Nghĩa là, hiện hữu này là tinh thần, có trở về
chính mình, có tri thức phản tỉnh về chính mình, và siêu vượt.
Đối với hiện hữu tất yếu tuyệt đối[137],
hành vi tri thức và hành vi ý muốn là một; còn đối với tinh thần nhập thể, tức
con người, ý muốn đi theo tri thức[138].
Khi nói ý muốn đi theo tri thức, điều này đúng khi tri thức là tri thức tự do,
nghĩa là tinh thần nhập thể vượt lên trên tri giác sự vật để hướng tới hiện hữu
tuyệt đối. Còn đối với tinh thần “không tự do”, tức không hướng tới tuyệt đối,
cả lý trí lẫn ý chí đều không tự do, đều dừng lại nơi vật thể.
Ý muốn là hoạt động của tinh thần,
là hành vi của hiện hữu sở hữu tri thức tự do. Ý muốn tự do, theo nghĩa siêu
hình, là ý muốn đi theo lý trí tự do, tức lý trí vượt qua tri thức vật thể để
vươn lên tuyệt đối. Ý muốn không tự do, theo nghĩa siêu hình nhưng vẫn là ý
muốn tự do hiểu theo nghĩa tự ý, khi tuân theo lý trí không tự do, tức lý trí
chỉ dừng lại nơi vật thể, không vượt lên trên tri thức vật thể.
Một cách bình thường, chúng ta vẫn
nói ý chí tự do, vì ý chí là hành vi tự do của tinh thần tự do, thực hiện chính
hành vi muốn đó hay không, là tùy nơi hiện hữu tự do này.
Theo Thánh Thomas, ý chí là tham dục
trí tuệ tuân theo sự nhận thức của lý trí. Thánh Thomas chia tham dục làm ba
cấp độ: vọng dục, nộ dục, và ý chí[139].
Tham dục tự nhiên là khuynh hướng tuân theo mô thể tự nhiên; tham dục cảm giác
là khuynh hướng tuân theo mô thể cảm giác; tham dục trí tuệ (trí dục) là khuynh
hướng tuân theo mô thể tri thức[140].
Theo Aristote, “tham dục là khuynh
hướng hoạt động của mọi hữu thể hướng về thiện hảo của mình”. Sở dĩ như vậy, vì
“mọi cái hoạt động đều hoạt động hướng về mục đích”, và mục đích đây là cái
thiện hảo[141].
Theo K. Rahner, thái độ tuyệt đối
cần thiết mà hiện hữu bất tất phải có là ý chí[142].
Khởi từ nhận định con người đặt vấn nạn về hữu thể, K. Rahner lý luận: “trong
mức độ con người tự vấn về hữu thể, con người khẳng định tính hữu hạn bất tất
của mình, và trong mức độ con người phải
tra vấn, con người khẳng định cách
tất yếu hữu thể bất tất của mình... Điều này hàm chứa, đối với hiện hữu hữu
hạn bất tất của mình, con người phải có một thái độ; nói cách khác, con người
phải có thái độ cần thiết đối với hiện hữu bất tất của mình... Và thái độ tuyệt
đối của hiện hữu bất tất này là ý chí”[143].
Thiện hảo là điều mọi hiện hữu
nghiêng chiều về, thế nhưng mức độ hiện hữu nơi mỗi hữu thể khác nhau[144],
nên cái thiện hảo của mỗi hiện hữu nghiêng chiều về cũng ở những mức độ khác
nhau. Vật thể tự nhiên nghiêng chiều theo luật tự nhiên, vật thể giác quan
nghiêng chiều về cái thiện hảo của nó theo bản năng, và hiện hữu tinh thần
nghiêng chiều về thiện hảo được nhận thức bởi lý trí.
Nơi các hiện hữu không là tinh thần,
nghiêng chiều này không thể chống cưỡng được; còn với hiện hữu tinh thần, dù
đây là nghiêng chiều tất yếu nhưng là tất yếu theo bản tính được lý trí nhận
ra, thì tinh thần vẫn tự do. Nói theo cách vẫn thường được dùng, ý chí tự do.
Chẳng hạn nghiêng chiều hướng về hiện hữu tất yếu tuyệt đối, hiện diện nơi mọi
hiện hữu bất tất- cụ thể là nơi con người, thế nhưng con người vẫn tự do, con
người tự do vươn lên hay ở lại nơi sự vật.
b. Yêu thương- hành vi tự
do
Nói tới con người là phải nói tới
tình yêu, cũng như nói tới con người là phải nói tới tri thức. Tình yêu là tư
thái căn bản của con người. Vậy tình yêu là gì?
Người ta ham mê tiền bạc danh vọng,
chứ người ta không yêu tiền bạc danh vọng, yêu là hành vi tương quan giữa người
với người, giữa ngôi vị và ngôi vị, chứ không là tương quan giữa người và đồ
vật, giữa ngôi vị và vật thể. Tình yêu là tương quan liên vị.
Tình yêu là nghiêng chiều của một
ngôi vị về một ngôi vị. Tình yêu là ý muốn có đối tượng là ngôi vị[145].
Ý chí con người luôn luôn tự do. Tình yêu là hành vi tự do, nghĩa là con người
luôn luôn có thể cưỡng lại được. Nếu “yêu” ai tới mức độ không thể cưỡng lại
được, thì đó không là tình yêu mà là thèm muốn đam mê. Khi ấy, người đó không
tự do mà đang sống trong tình trạng bản năng. Đối tượng của bản năng không là
ngôi vị nhưng là vật thể, hoặc giác thể.
Con người có thể cưỡng lại tình yêu; nhưng con người không được phép cưỡng lại tình yêu vì con người là hiện hữu tự do;
nếu con người cưỡng lại tình yêu, con người không tự do đích thực. Tương quan giữa ngôi vị và ngôi vị, giữa người với
người, phải là tương quan tình yêu; nếu không là tương quan tình yêu, đó không
là hành vi của những hiện hữu tự do đích thực. Tình yêu là hành vi tự do, là ý
muốn hướng tới ngôi vị.
Con người tự do lắng nghe mặc khải
Con người với lý trí nhận biết sự
vật qua giác quan, nhận biết chính mình, và hơn nữa có thể vượt trên sự vật khả
giác để nhận biết hiện hữu tất yếu tuyệt đối tự do. Với khả năng siêu vượt, con
người là tinh thần nhập thể tự do.
Con người là tinh thần tự do. Điều
này được nhận thấy khi con người biết mình có thể chọn làm điều này hay điều
kia. Đành rằng con người có nhiều giới hạn và tùy thuộc nhiều yếu tố, nhưng con
người vẫn cảm thấy và biết mình tự do. Con người biết mình có thể làm hay thực
hiện một hành vi bất tất[146].
Thường người ta nói ý muốn tự do chứ
không nói lý trí tự do, thế nhưng chính lý trí cũng có thể là lý trí tự do hay
không. Ý muốn tùy thuộc lý trí, nhưng chúng ta trong kinh nghiệm cũng thấy có
những khi muốn không theo lý trí, lúc này con người vẫn tự do nhưng thực sự nó
không tự do đích thực. Con người tự do đích thực khi con người theo những gì lý
trí thấy là đúng.
Con người tự do đích thực, sống theo
lý trí, không dừng lại ở bình diện sự vật nhưng vươn lên, siêu vượt lên khỏi
vật chất để hướng tới hiện hữu tất yếu tuyệt đối tự do. Lý trí không tự do khi
lý trí chỉ dừng lại nơi sự vật, không vươn khỏi sự vật để hướng tới hiện hữu
tuyệt đối, nhưng theo bản năng, theo những gì thuộc về vật chất. Lúc này
Voluntas non sequitur intellectum, mà intellectus sequitur voluntatem. Và ý
muốn lại theo bản năng chứ không theo lý trí. Lý trí theo ý muốn, theo bản
năng, theo những gì là vật chất, không vươn lên thực tại siêu việt, là lý trí
không tự do. Lúc đó con người không còn là tinh thần nữa, dù thực sự con người
vẫn có khả năng là tinh thần (hiểu theo nghĩa, con người vẫn có thể siêu vượt
khỏi cái khả giác). Chỉ khi nào con người với lý trí vượt lên trên cái khả
giác, vươn tới hiện hữu tất yếu, con người mới là tinh thần đích thực, lý trí
con người mới tự do đích thực.
Dù có nỗ lực giải thích lý do tại sao
“lý trí không tự do” nơi một số người hoặc nơi mỗi người trong một số thời điểm
khác nhau trong cuộc đời, thì yếu tố chính yếu vẫn thấy, luôn nằm trong mọi
hành vi “không tự do”, là con người luôn luôn tự do. Con người có tự do thực sự
hay không, là do chính mỗi người.
Thiên Chúa có thể mặc khải cho con
người trong lịch sử, và thực sự ngài đã mặc khải[147].
Về phía con người, vì là tinh thần nhập thể tự do, con người vẫn tự do, tự do
lắng nghe và đáp trả.
(Những sách được trích dẫn)
ĐÀO
DUY ANH, Hán Việt Từ Điển, PARIS 1950
J.
AUER, art. “Grâce”, II: Theological,
SACRAMENTUM MUNDI 1, BURNS and OATES 1968
M. A. BAILLY, Abrégé du
Dictionnaire Grec - Francais,
PARIS 1961
H.
M. BAUMGARTNER, art. “Transcendantal Philosophy”,
SACRAMENTUM MUNDI, BURNS & OATES 1968
E.
BIHLMEYER, Histoire de l'E'glise, t. I
SALVATOR - PARIS 1962
F.
CAYRÉ, Précis de Patrologie, t. I
DESLÉE et Cie- PARIS 1927
H.
CAZELLES, Introduction à la Bible
Introduction critique à l'ancient Testament, t. II, DDB. 1973
Y.
DORTIGUES, La Foi et la Théologie, PARIS 1962
H.
CORNELIS et A. LÉONARD, La Gnose éternelle,
Col. Je sais-ie crois, n.146 - PARIS 1959
A.
DARTIGUES, La Révélation du sens au salut,
DESCLÉE 1985
J.
DE FINANCE, Connaissance de l'Être, DDB- PARIS 1966
H.
DE LUBAC, Dieu se dit dans l'histoire, CERF 1974
DENZINGER
- SCHOENMETZER,
Enchiridion Symbolorum Definitionum et Declarationum,
HERDER 1963
A.
DULLES, Revelation Theology,
BURNS and OATES - HERDER and HERDER 1969
H.
FRIES, art. “Révélation”,
trong MYSTERIUM SALUTIS t. I, vol. I, CERF- PARIS 1969
H.
FRIES, “Le Mythe et la Révélation”,
trong QUESTIONS THÉOLOGIQUES AUJOURD’HUI,
DDB - PARIS 1964
Cl.
GEFFRÉ, art. “L’histoire récente
de la théologie fondamentale. Essai d'interprétation”,
trong CONCILIUM 46 (1969), pp. 11-28
R.
HAARDT, art. “Gnosticism”,
trong SACRAMENTUM MUNDI I, BURNS and OATES 1968
A.
HALDER, art. “Knowledge”,
trong SACRAMENTUM MUNDI, BURNS & OATES 1968
U.
HORST,
“La conception de la Révélation dans la haute scolastique”
trong
MICHEL SEYBOLD, La révélation dans l'écriture,
la patristique, la scolastique, CERF- PARIS 1974
Thánh Công đồng chung
Vaticanô II,
GHHV PIÔ X ĐÀ LẠT, SAIGON 1972
R.
JOLIVET, Dieu Soleil des esprits
La doctrine augustinienne de l'illumination
DDB et Cie- PARIS 1934
N.
JUNG, art. “Révélation”, trong DTC, t. XIII, col. 2586
A.
KELLER, art. “Universals”,
trong SACRAMENTUM MUNDI, BURNS & OATES 1968
K.
KRENN, art. “Kantiannism”,
trong SACRAMENTUM MUNDI, BURNS & OATES 1968
R.
LATOURELLE, Théologie de la Révélation, DDB. 1966
R.
LATOURELLE, Théologie Science du Salut, PARIS 1968
R.
LATOURELLE,
art. “La spécificité de la Révélation chrétienne”,
trong STUDIA MISSIONALIA, vol. XX, GREGORIANA 1971
E.
F. LEOPOLD, Lexicon Hebraicum et Chaldaicum,
LIPSIAE 1905
J.
PHẠM THANH LIÊM,
Thần học các tôn giáo ngoài Kitô giáo, ĐALAT 1982, bđm.
LNC
(14.12.52), Dẫn nhập Thần học, ĐL. 38
A.
LOISY, The Gospel and the Church, PARIS 1903
J.
E. McKENZIE, Dictionary of the Bible, MILWAUKKE 1965
J.
E. McKENZIE, art. “Aspects of old Testament Thought”
trong Jerome Biblical Commentary
LÊ
TÔN NGHIÊM, Lịch sử Triết học Tây Phương,
LÁ BỐI 1970
G.
PARRINDER, “Revelation in other Scriptures”
trong STUDIA MISSIONALIA, vol. XX, GREGORIANA 1971
PAUL
VI, enc. “Ecclesiam suam”
K.
RAHNER, L'Esprit dans le monde, MAME 1968
K.
RAHNER, L'homme à l'écoute du Verbe, MAME 1967
K.
RAHNER,
“A propos de la réforme des études ecclésiastiques”,
trong
K. RAHNER, Est-il possible aujourd'hui de croire,
MAME 1966
K.
RAHNER, art. “SALVATION”,
trong MYSTERIUM SALUTIS - HERDER 1970
F.
RICKEN, art. “Platonism”, trong SACRAMENTUM MUNDI
J.
SPLETT, art. “Agnosticism”,
trong SACRAMENTUM MUNDI - BURNS and OATES 1968
P.
STOCKMEIER,
“Révélation dans l'Église chrétienne primitive”,
trong La Révélation dans
l'Écriture, la patristique,
la Scolastique, Col. HISTOIRE DES DOGMES- CERF 1974
THANH
NGHỊ, Việt Nam Tân Tự Điển Minh Họa,
KHAI TRÍ - SAI GON 1965
THIỀU
CHỬU, Hán Việt Tự Điển, HÀ NỘI 1942
G.
THILS, Propos et Problèmes de la théologie
des religions non-chrétiennes, CASTERMAN 1966
S. THOMAE In Aristotelis
Librum De Anima Commentarium
MARIETTI - ITALY 1959
S.
THOMAE, Summa Theologiae, MARIETTI-ITALY 1952
S.
THOMAE AQUINATIS,
Liber de Veritate Catholicae Fidei contra errores Infidelium
seu Summa Contra Gentiles, MARIETTI 1961
F.
J. THONNARD, Extraits des grands philosophes,
DESCLÉE et Cie-PARIS 1963.
F.
J. THONNARD, Présis d'histoire de la philosophie,
DESCLÉE et Cie-PARIS 1966.
Kinh Thánh
bd. NGUYỄN THẾ THUẤN, DCCT-SG. 1976
INHAXIO
LOYOLA, Linh thao, NTDT- THỦ ĐỨC 1969
G.
A. WETTER, art. “Marxism”,
trong SACRAMENTUM MUNDI, BURNS & OATES 1968
HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LINH ĐẠO
THẦN HỌC
ĐỜI SỐNG
SOME THEMES IN ENGLISH
DẪN NHẬP THẦN HỌC
MẶC KHẢI
SẼ SỐNG NẾU BẠN TIN TÔN GIÁO NGOÀI KITÔ ÂN SỦNG VÀ BIỂU TƯỢNG
Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
phamthanhliem
[1] R. LATOURELLE, Théologie Science du Salut, PARIS 1968, p. 105
Cf. LNC 141252, Dẫn Nhập Thần Học, ĐL. 45, trg. 47.22
[2] K. RAHNER, A propos de la réforme des études ecclésiastiques”,
trong Est-Il possible aujourd’hui de croire, MAME 1966, p. 202
Y. CONGAR, La Foi et la Théologie, PARIS 1962, p. 183
Cl. GEFFRÉ, art. “L’histoire récente de la théologie fondamentale. Essai d’interprétation”, trong CONCLILIUM 46 (1969), p. 11
[3] Một số người đề nghị dùng chữ mạc khải thay chữ mặc khải. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu từ ngữ Hán Việt để cho thấy lý do chúng ta chọn từ ngữ mặc khải.
ĐÀO DUY ANH, Hán Việt từ điển, PARIS 1950
· Mạc ( ) có nghĩa: chẳng, không có, đừng;
Mạc ( ) (thêm chữ thủ): sờ mó;
Mạc ( ) (thêâm chữ thủy): bãi cát, trong trẻo, yên lặng, không quan hệ với nhau;
Mạc ( ) (thêm chữ nhục): da mỏng bọc gân thịt;
Mạc ( ) (thêm chữ cân): cái màn;
Mạc mạc ( ): mây đen phủ kín, tịch mịch;
· Mặc ( ) (bộ hắc ): yên lặng, không nói không cười (từ đây có chữ mặc hứa, mặc nhiên)
Mặc ( ) (bộ thổ ( ) (THIỀU CHỬU, Hán Việt tự điển, HÀ NỘI 1942)
có nghĩa: mực, sắc đen (từ đây có chữ mặc khách)
Mặc mặc ( ): tịch mịch lặng lẽ, thái độ bất đắc ý.
· Khải ( ) có nghĩa: mở, thuật bày
(khác với chữ khải là vui mừng, cũng viết khác theo tiếng Hán).
Þ Như vậy
Mạc khải ( ), có nghĩa: kéo màn, mở màn.
Mạc khải ( ), có nghĩa: mở (lòng) ra khỏi sự yên lặng.
Mặc khải ( ), có nghĩa: ra khỏi sự yên lặng (tỏ lộ).
Theo ý kiến cá nhân, dùng chữ mạc khải hay mặc khải đều được, nhưng bản thân nghiêng về dùng chữ mặc khải hơn.
[4] THANH NGHỊ, Việt Nam Tân Tự Điển Minh họa,
KHAI TRÍ- SAIGON 1965
[5] Art. “Révélation” trong Dictionaire de Théologie Catholique, t.XIII, PARIS 1932, col. 2586,
cf. G. THILS, Propos et Problèmes de la théologie des religions non-chrétiennes, CASTERMAN 1966, p. 84
[6] Cf. G. THILS, op. cit., p. 84
[7] H. BOUILLARD, “Révélation et Histoire”,
trong La Théologie de l’histoire. Herméneutique et eschatologie, ed. E. CASTELLI, PARIS 1971, pp. 91-104,
Cf. R. LATOURELLE, “La spécificité de la Révélation chrétienne”,
trong STUDIA MISSIONALIA, vol. XX (1971), GREGORIANA 1971, p. 46
[8] K. BARTH, Dogmatique, vol. II, t. II: “Gottes Offenbarung als Aufhebung der Religion”,
cf. G. THILS, op. cit., p. 46
[9] L. S. THORNTON, Revelation in the modern world, OXFORD UNI. PRESS 1950, pp. 60. 194
Cf. G. PARRINDER, “Revelation in other Scriptures”, trong STUDIA MISSIONALIA, vol. XX (1971), GREGORIANA 1971, p. 103
[10] G. PARRINDER, art. cit., p. 103
[11] J. ALFARO, Persona y Gracia, GREGORIANUM 41 (1960), p. 11,
Cf. R. LATOURELLE, Théologie de la Révélation, DDB. 1966, p. 392
[12] H. FRIES, “Le Mythe et la Révélation”, trong QUESTIONS THÉOLOGIQUES AUJOURD’HUI, DDB-PARIS 1964, p. 16
[13] A. DULLES, Revelation Theology, BURNS & OATES 1969, p. 9
[14] R. LATOURELLE, Théologie de la Révélation, DDB. 1966, p. 9
[15] Ecclesiam Suam, n. 72
Cf. H. DE LUBAC, Dieu se dit dans l’histoire, CERF 1974, p. 29 , collection Foi Vivante 159.
[16] Với cái nhìn chủ quan, tín đồ của tôn giáo nào cũng cho rằng tôn giáo mình đang theo là tôn giáo đúng nhất và là tôn giáo được mặc khải. Người Do thái cho rằng đạo Do thái của họ là duy nhất đúng; người Hồi giáo cũng cho rằng kinh Coran là kinh được mặc khải và Hồi giáo là tôn giáo duy nhất chân thực; người theo Ấn giáo cũng cho rằng Ấn Giáo mới là tôn giáo được mặc khải. Kitô hữu cũng cho rằng Kitô giáo mới là đạo chân thực.
Vậy đối với kitô hữu, và đặc biệt với người công giáo chúng ta, các tôn giáo ngoài kitô giáo có mặc khải không? Không bàn về vấn đề này ở đây, nhưng theo ý kiến cá nhân, các tôn giáo ngoài kitô giáo cũng có thể được mặc khải. Xem Y. PHAM THANH LIÊM, Thần học các tôn giáo ngoài Kitô giáo, ĐALẠT 1982, trang 16-27, bdm.
Xem thêm STUDIA MISSIONALIA, vol. XX (1971), GREGORIANA 1971
[17] Không tùy thuộc lý trí và ý chí con người, nghĩa là không tùy thuộc con người có biết điều đó hay có chấp nhận điều đó hay không.
[18] LÊ TÔN NGHIÊM, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, LÁ BỐI 1970, pp. 210-211.
[19] F-J. THONNARD, Précis d' Histoire de la Philosophie, DESCLÉE et Cie, PARIS 1966, p. 156.
Ông tổ của chủ thuyết hoài nghi là Pyrrhon (365-275);
Chủ thuyết cái nhiên (probabilisme) với Arcésilas (315-241) lãnh tụ Académie (Hàn Lâm);
Carnéade (215-126) lãnh tụ Tân Hàn Lâm; và những người khác như Aenesidemus, Agrippa, Sextus Empiricus...
[20] Op. cit., p. 157
[21] AUGUSTINUS, De Trinitate, l. XV, ch. XII, 21
Cf. F-J. THONNARD, op. cit., p. 208
[22] Kant phân biệt phán đoán phân tích và phán đoán tổng hợp, phán đoán tổng hợp tiên thiên và hậu thiên. Chỉ có phán đoán tổng hợp tiên thiên mới có giá trị khoa học. (F-J Thonnard, op. cit., p. 624).
Kant phân biệt đối tượng hiện tượng và đối tượng tự thân. Đối tượng tự thân thuộc lãnh vực của lý trí thực tiễn, chẳng hạn như Thiên Chúa, linh hồn bất tử, tự do,... (F-J. THONNARD, op. cit., p. 630).
Không gian và thời gian không là thực thể khách quan, nhưng là những khung tiên thiên (formes à priori) của cảm quan nhờ đó những trực giác giác quan được hình thành, cũng tương tự như vậy các ý niệm phổ quát là những mô thức tiên thiên (formes à priori) của trí hiểu (Der Verstand).
(Cf. A. HALDET, art. “Knowledge”, trong SACRAMENTUM MUNDI, ed. K. RAHNER, BURNS and OATES 1968, p. 252
K. KRENN, art. “Kantianism”, trong SACRAMENTUM MUNDI, p. 243)
Kant tiến hành việc phê bình tri thức
bằng việc phê bình cảm quan (critique de la sensibilité) trong phần cảm quan siêu nghiệm (Esthétique transcendantale),
và bằng việc phê bình phán đoán trong phần luận lý siêu nghiệm (logique transcendantale; luận lý siêu nghiệm còn được gọi là phân tích siêu nghiệm (analytique transcendantale),
và bằng việc phê bình biện chứng siêu nghiệm (dialectique transcendantale)
(Xem F-J. THONNARD, op.cit., pp. 646-647).
Phương pháp Kant dùng là phản tỉnh phê bình (réflexion critique), hay còn gọi là phản tỉnh siêu nghiệm (réflexion transcendale)
(Op. cit., pp. 628-630).
Phản tỉnh phê bình gồm
phân tích phê bình (analyse critique) nhằm xác định những yếu tố cấu thành và những quy luật của phán đoán,
và diễn dịch phê bình (déduction critique) nhằm xác định những điều kiện tuyệt đối cần thiết (nếu không có những giả sử này, thì không có tri thức). (Xem F-J.THONNARD, op.cit., pp. 639-640. 628-630)
Kant cho rằng tri thức khởi đầu với giác quan, tiếp tục nơi trí năng và kết cục nơi lý trí,
hoặc, tri thức là trực giác và quan niệm, trực giác cộng thêm tư tưởng (K. KRENN, art. cit., p. 243: “From sensible intuition, human knowledge finally progresses to concepts and judgments. But for Kant, knowledge is intuition and concept, intuition plus thought”),
hoặc, mọi tri thức nhân loại đều khởi đầu với trực giác, rồi qua quan niệm, kết cục nơi ý niệm (F-J. THONNARD, op. cit., p. 633).
Giả sử của Kant:
có các phán đoán tổng hợp tiên thiên,
khả năng phản tỉnh phê bình,
phán đoán khoa học là chuẩn
( F-J. THONNARD, Précis d'histoire de la Philosophie, pp. 630-631).
[23] K. KRENN, art. “Kantianism”, p. 243
F-J. THONNARD, op. cit., pp. 632. 630
[24] F-J. THONNARD, op. cit., pp. 647- 648
[25] K. KRENN, art. “Kantianism”, p. 243
[26] Agnosticisme.
[27] A. DE LA BARRE, art. “Agnosticisme”, trong DTC. I/1, PARIS 1923, col. 596
[28] J. SPLETT, art. “Agnosticism”,
trong SACRAMENTUM MUNDI I, BURNS and OATES 1968, p. 15
[29] Ibid., p. 16
[30] F-J. THONNARD, Précis d'histoire..., p. 285
ALBERT KELLER, art. “Universals”, SACRAMENTUM MUNDI, III, p. 325
HANS M. BAUMGARTNER, art. “Transcendantal Philosophy”, SACRA-MENTUM MUNDI, p. 282
Tự điển PETIT LAROUSSE, từ ngữ “nominalisme”.
[31] Ibidem.
[32] Tự điễn Larousse, từ ngữ “conceptualisme”.
[33] A. KELLER, art. cit. p. 325
[34] Ibidem
F-J. THONNARD, op. cit., p. 285
[35] F-J. THONNARD, op. cit., p. 302
[36] G. A. Wetter, art. “Marxism”, trong SACRAMENTUM MUNDI, IV, p. 425
[37] như người ta vẫn thường quan niệm.
[38] Connais- toi, toi même.
[39] Ibid., p. 306: “l' homme est la mesure de toutes choses.”
[40] F-J. THONNARD, Extrais Des Grands Philosophes, DESCLÉE et Cie-PARIS 1963, pp. 6-7
[41] FRIEDO RICKEN, art. “Platonism”, trong SACRAMENTUM MUNDI, BURNS and OATES 1968, p. 30
[42] PLATON, Parménide, “Même chose se donne à penser et à être”: chez Parménide. L'être est, de soi, intelligible et rationnel. Trích bởi J. DE FINANCE, Connaissance de l'être, DDB-PARIS 1966, p. 129
[43] ARISTOTE, Met. A1 993b 31: “autant une chose a d' être, autant il a de vérité”. Trích bởi J. DE FINANCE, op. cit., p.130.
[44] S. THOMAS, C G. II, 98: Quidquid esse potest, intelligi potest.
Trích dẫn bởi F-J. THONNARD, Précis d'histoire de la Philosophie, DESCLÉE et Cie-PARIS 1966, p. 36
K. RAHNER, L'esprit dans le monde, MAME-FRANCE 1968, p. 79
[45] Ens, verum, bonum convertuntur.
[46] Omne ens est verum.
[47] K.RAHNER, L'homme à l'écoute du Verbe, MAME 1967, pp. 83. 88
[48] J. DE FINANCE, Connaissance de l'être, DDB-PARIS 1966, pp. 147. 156-157
[49] K. RAHNER, L'esprit dans le monde, p. 79
[50] J. DE FINANCE op. cit., pp. 135-136
[51] S. THOMAS, ST. I-I, q. 55, a. 4, ad 4: Id quod primo cadit in intellectu est ens.
S. THOMAS, De Veritale, I, 1: “Illud quod primo intellectus concipit quasi notissium et in quo omnes conceptiones resolvit est ens”.
[52] J. DE FINANCE, op.cit., p. 138
[53] ngay lập tức.
[54] S.THOMAS, ST. I, q. 16, a. 4, ad 2: “Intellectus... per prius apprehendit ipsum ens et secundario apprehendit se intelligere ens... Unde primo est ratio entis, secundo ratio veri.
Cf. J. DE FINANCE, op. cit., p. 144
[55] K. RAHNER, L'homme à l'écoute du Verbe, p. 90
[56] Ở đây đề nghị dịch chữ l’étant là hiện thể, còn chữ acte là hiển thể (đi với tiềm thể, puissance).
K. RAHNER, op. cit., p. 99
[57] K. RAHNER, op. cit., pp. 88.94
[58] K. RAHNER, op. cit., pp. 97. 96. 94
S. THOMAS, ST. I-II, q.3, a.7, c: “eadem est dispositio rerum in esse sicut in veritate”.
In II Metaph., lect. 1, n. 280: “Unumquodque est cognoscibile in quantum est ens in actu; unumquodque est intelligens et intelligibile, quod est idem, in quantum est ens actu”.
In VII Met., lect. 2, n. 1301: “Secundum quod aliquid est ens secundum hoc est cognoscibile”.
[59] cần thiết bất tất, như tôi cần có cha mẹ và cha mẹ cần có ông bà, và cứ tương tự như vậy.
[60] Chúng không là những hiện hữu bất tất độc lập với nhau tuyệt đối.
[61] Độc thần cũng là một chân lý được mặc khải. Với tri thức của con người, không có những hiện hữu bất tất độc lập, nên không có nhiều hiện hữu tất yếu.
[62] hữu thể thuần vật chất.
[63] hữu thể có những giác quan.
[64] không có lý trí.
[65] như thánh Max. Kolbe.
[66] Đúng ra chúng ta phải nói, hiện hữu tự do là tinh thần, vì tinh thần được định nghĩa là hiện hữu sở hữu tri thức phải tỉnh và siêu vượt.
[67] hay Thiên Chúa, Hiện Hữu Tự Do Tuyệt Đối, Hiện Hữu Tri Thức Tuyệt Đối.
[68] Tính chất tự do của con người, sẽ có dịp đề cập ở những đoạn sau.
[69] Lịch sử hiểu là chuỗi những hành động của hiện hữu tư do.
[70] Tình yêu là tương quan giữa hai ngôi vị, là ý muốn theo lý trí “tự do” có đối tượng là ngôi vị.
“Ý muốn là khuynh chiều của hữu thể theo lý trí” (S. THOMAE,
In Aristotelis Librum De Anima Commentarium,
MARIETTI- ITALY 1959, n. 288).
[71] Không theo cái cũ, không theo vết xe cũ, không theo thói quen cũ, thế nên người ta không biết trước được.
[72] K. RAHNER, art. “Salvation”, trong SACRAMENTUM MUNDI, V, HERDER and HERDER 1970, col. 406
[73] S. THOMAE in Arist. Librum De Anima Commentarium, n. 21
[74] Một vài từ ngữ được dùng ở đây tương ứng với từ ngữ tiếng nước ngoài:
trí khôn, lý trí: intellect hay intelligence, intellectus, Vernunft, ...
trí tưởng tượng: imagination, phantasia, ...
lý nhớ: mémoire, memoria, ...
lý trí: raison, ratio, Vernunft, ...
trí hiểu: entendement, Der Vernunft.
Điều này không có nghĩa có nhiều lý trí, nhưng nhằm diễn tả những khả năng của lý trí con người.
Để hiểu có khi phải suy luận, nhưng có khi là sự nắm bắt trực giác không qua suy luận; như vậy trí hiểu có thể nằm trong lý trí (trí hiểu như khả năng lý luận của trí khôn) hoặc trí hiểu có thể được dùng để chỉ chính trí khôn.
Lý trí, theo Đào Duy Anh trong Hán Việt Từ Điển in tại Paris 1950, có nghĩa: sức suy nghĩ, đối với sức cảm giác.
[75] chẳng hạn ý niệm “cái bàn” phổ quát có thể ứng dụng với mọi cái bàn cụ thể.
[76] eidos là từ ngữ được Platon dùng để chỉ nguyên mẫu của những vật thể của thế giới khả giác; từ ngữ ý niệm (eidos, idée) ở đây không trùng với nghĩa được Platon dùng.
[77] Tự do, công bình, bác ái, được hiểu là quan niệm vì nó không được trừu xuất từ những vật thể cụ thể trực tiếp nhưng nó được tạo thành do suy luận, do phán đoán. Thực ra chúng cũng có thể được gọi là những ý niệm, nhưng là những ý niệm “cấp cao”.
[78] phán đoán về tri thức, lối sống, cách hành xử của con người.
[79] K. RAHNER, L’Esprit dans le monde, p. 40
trích dẫn S. THOMAE in III De Anima, lect. 12, nn. 781-785
[80] K. RAHNER, L’Esprit dans le monde, p. 49
K. RAHNER, L’homme à l’écoute du Verbe, p. 254:
Nihil sine phantasmata intelligit anima (linh hồn không hiểu gì nếu không có ảnh tượng).
Theo từ điển Latin-Pháp của Quicherat:
phantasia, ae, f.: vision, imagination, simulacre
Phantasma, atis, n.: être imaginaire, simulacre
cả hai đều từ tiếng Hylạp.
[81] K. RAHNER, L’Esprit dans le monde, p. 41
[82] K. RAHNER, L’Esprit dans le monde, p. 37 note 5 trích dẫn
S. THOMAE in Boeth. de Trin., q. 6, a. 2, ad 5: “Phantasma est principium nostrae cognitionis ut ex quo incipit intellectus operatio, non sicut transiens sed sicut permanens ut quoddam fundamentum intellectualis operationis, sicut principia demonstrationis oportet manere in omni precessu scientiae.
[83] S. THOMAE, In Arist. Lib. De Anima Comm., n. 19
[84] S. THOMAE, In Arist. Lib. De Anima Comm., nn. 717. 718. 762
[85] S. THOMAE, In Arist. Lib. De Anima Comm., nn. 791. 794
[86] S. THOMAE, In Arist. Lib. De Anima Comm., n. 718
[87] K. RAHNER, L’homme à l’écoute du Verbe, pp. 86-87
[88] K. RAHNER, L’Esprit dans le monde, p. 36
[89] K. RAHNER, L’Esprit dans le monde, p. 132
[90] K. RAHNER, L’homme à l’écoute du Verbe, p. 111
[91] S. THOMAE, Contra Gent., IV, 11 trích bởi
K. RAHNER, L’Esprit dans le monde, p. 128
[92] K. RAHNER, L’Esprit dans le monde, p. 129
[93] K. RAHNER, L’Esprit dans le monde, p. 128
[94] K. RAHNER, L’Esprit dans le monde, pp. 248. 113
[95] S. THOMAE, S.T., I, q. 84, a.7, ad 3 trích dẫn bởi
K. RAHNER, L’Esprit dans le monde, p. 150 note 14
[96] S. THOMAE in Boeth. De Trinit., q. 6, a. 2, corp.
trích bởi K. RAHNER, L’Esprit dans le monde, p. 150 note 14
[97] K. RAHNER, L’homme à l’écoute du Verbe, p. 248
Ở chỗ khác, Rahner nói:
Tiền dự là sự khai mở của ý thức chúng ta về chân trời, mà trong chân trời đó đối tượng đặc thù của tri thức nhân linh được lãnh hội (op. cit., p. 114).
Tiền dự là điều kiện để có ý niệm phổ quát, để có trừu xuất; Và đến lượt mình, trừu xuất là điều kiện để có khách thể hóa dữ kiện khả giác, và như vậy cũng là điều kiện để có tri thức (op. cit., p. 113).
Tiền dự như vậy không là sự hiểu biết tiên thiên về một đối tượng, nhưng là chân trời được ban cùng với yếu tính con người, và như vậy, nó là điều kiện tiên thiên của tri thức về một hiện tượng hậu thiên (op. cit., p. 249).
[98] K. RAHNER, L'homme à l'écoute..., p. 112. 113. 115
[99] S. THOMAS, ST. I, q. 79, a. 3, corp: “Oportebat igitur ponere aliquam virtutem ex parte intellectus, quae faceret intelligentia in actu, per abstractionem specierum a conditionibus materialibus. Et haec est necessitas ponendi intellectum agentem Cf. ST. I, q. 84, a. 4, ad 3
K. RAHNER, L'Esprit dans le monde p. 150
K. RAHNER, L'homme à l'écoute..., p. 111. 113
[100] K. RAHNER, L'Esprit dans le monde, p. 205
S. THOMAE, De Anime, a. 5, corp;
In IV Met., lect.6, n.599
[101] K. RAHNER, L'Esprit dans le monde, p. 80
K. RAHNER, L’homme à l’écoute du Verbe, p. 85
trích dẫn S. THOMAE, Contra Gent., II, 98
[102] K.RAHNER, L'Esprit dans le monde, p. 94:
Connaitre n’est pas une actio (production d’un acte d’appréhension) mais un actus, c’est-à-dire une réalité qui est-auprès-d’elle-même”
(De Verit., q. 8, a. 6, corp. và S.T., I, q. 18, a. 3, ad 1)
[103] K.RAHNER, L'Esprit dans le monde, p. 94:
“Connaitre, c’est être-auprès-de-soi, c’est l’état de réflexion sur lui-même d’un être doué d’une puissance d’être déterminée”.
[104] K. RAHNER, L’homme à l’écoute du Verbe, p. 87
Từ ngữ “thể tri” ở đây được dùng để dịch chữ Erkennen tiếng Đức của K. Rahner. Nếu đọc bản dịch tiếng Pháp, dịch giả bản tiếng Pháp lại dùng từ “Connaissance”.
Một vài từ ngữ được dùng ở đây:
tri thức: connaissance, connaitre
thể tri: connaitre, erkennen
tri thể: connaissant, sujet qui connait, cognoscens
cái được biết, thụ tri thể: cognitum, intellectum
khả tri thể: cognoscibile, intelligibile (tĩnh từ dùng như danh từ).
[105] étant connaissant. Chủ tri: sujet qui connait.
[106] reditio subjecti in seipsum. Bei-sich-sein.
[107] Cognoscens in actu et cognitum in actu sunt idem.
Cf. F-J. THONNARD, Précis d’histoire..., p. 108
[108] S.THOMAE, ST. I, q. 87, a.1, ad 3: “Idem est intellectus et quod intelligitur”, trích bởi K. RAHNER, L'Esprit dans le monde, p. 81
[109] S. THOMAE, Contr. Gent. II, 98: “Intellectum est perfectio intelligentis”;
II, 99: “Intellectus in actu perfectio est intellectum in actu”
trích bởi K. RAHNER, L' Esprit dans le monde, p.81. 85-86
[110] K. RAHNER, L' Esprit dans le monde, p. 82
Op. cit., p. 80:
“Intelligibile enim et intellectum oportet proportiona esse et unius generis (d’une seule origine), cum intellectus et intelligibile in actu sint unum” (Car autrement l’unité effective de l'être et du connaitre dans la connaissance en acte ne pourrait être rendue intelligible dans sa possibilité).
Khả tri thể và lý trí phải tương xứng và cùng một loại; lý trí và thụ tri thể là một trong hiển thể. “Idem intellectus et intellectum et intelligere” (p. 80).
“Ens est intelligibile et intelligens, in quantum est ens actu”
trong In II Met., livre I, n. 280
được trích bởi K. RAHNER, L'homme à l'écoute du Verbe, p. 86
Tính khả tri là khả năng hiện diện với mình, vì thế tính khả tri có nhiều mức độ khác nhau (la cognoscibilité est pouvoir-être-auqrès-de-soi...) (Esprit dans le monde, p. 84).
Mức độ chủ thể tính cho thấy một hiện thể sở hữu hữu thể ở mức độ nào (RAHNER, L'Esprit...,p. 83: le degré de cette “subjectivité” indiquent inversement quelle mesure de puissance d'être possède un étant).
Tri thể và thụ tri thể đều là hữu thể. Khả tri tính tương ứng với chủ thể tính. Tri thể và thụ tri thể là một trong hiển thể, bởi vì cả hai là hữu thể, và bởi vì cả hai đều là hữu thể trở về chính mình của hiện thể.
[111] K. RAHNER, L'Esprit dans le monde, p. 139. 91-92
[112] “Lý trí chúng ta trong tình trạng hiện tại, tình trạng liên kết với thân xác, không thể biết gì (ở hiển thể) nếu không trở về với ảnh tượng”.
Còn với với tác phẩm của Aristote được thánh Thomas chú giải:
ARISTOTE, De Anima, Lib. III, lect. XII, c. VII: “... propter quod numquam sine phantasmate intelligit anima” (Lý trí (linh hồn) không biết gì nếu không nhờ ảnh tượng)
trong S. THOMAE, In Arist. Libr. De Anima Comm., nn. 772. 791. 854
[113] S. THOMAE, In Arist. Libr. De Anima Comm., n. 767:
Intellectus proprium est facere affirmationem vel negationem.
[114] Op. cit., p. 793:
Intellectus solius est cognoscere verum et falsum.
[115] Ở đây chúng ta không đứng trên quan điểm Kinh Thánh; nhưng ngay cả với Kinh Thánh, ý định cứu độ của Ngài cũng không đồng nhất với sự thánh thiện và tốt lành của Ngài. Nói một cách nôm na: Thiên Chúa tốt lành và thánh thiện, nhưng không phải vì vậy mà Ngài buộc phải cứu độ con người.
Cf. K. RAHNER, art. “Salvation”
trong SACRAMENTUM MUNDI, V, HERDER and HERDER 1970, p. 406
[116] Chẳng hạn để diễn tả tình yêu giữa hai người với nhau, họ có thể dùng nhiều cách khác nhau, và không buộc phải theo một công thức cố định nào!
[117] K. RAHNER, L'homme à l'écoute du Verbe, p. 201:
Dieu peut révéler uniquement ce que l’homme peut entendre... Mais ladite proposition devient fausse si l’on la modifie en disant...
[118] nghĩa là nếu Thiên Chúa không muốn thay đổi cơ cấu con người.
[119] M. A. BAILLY, Abrégé du Dictionnaire Grec-Français, PARIS 1961, từ ngữ Logos
[120] E. F. LEOPOLD, Lexicon Hebraicum et Chaldaicum, LIPSIAE 1905, từ ngữ DABAR
[121] J. L. McKENZIE, Dictionary of the Bible, MILWAUKEE 1965, art. “Word”:
“The dynamic reality of the Word is accompanied by its dianoetic reality (O. Procksch). Hb uses “word” where we use “thing” or “deed”. The word as name gives the thing intelligibility; but the thing does not acquire full reality until it gets a name and becomes intelligible. In conferring the name the person exercises his dynamism by which he makes the thing real; in knowing the name the person exercises his dynamism in the reverse direction and “apprehends” the word-thing”. (page 938).
[122] Như vậy, giả như Thiên Chúa mặc khải trong giấc mộng, thì những ảnh tượng (phantasma) hiện diện nơi lý trí trong giấc mơ vẫn có thể được coi như lời.
Hiểu theo nghĩa rộng hơn, lý trí chính là lời. Nếu Thiên Chúa mặc khải gì cho con người, thì mặc khải cho con người qua lý trí. (Câu khẳng định này là thừa, nhưng nó giúp hiểu rõ khẳng định: Thiên Chúa mặc khải cho con người qua lý trí).
Theo K.Rahner, lời thích hợp để hiểu thực tại siêu thế giới, vì lời có khả năng phủ định. Lời có thể phủ định những gì được xác định nơi thực tại trần thế để vươn lên thực tại siêu việt.
(Cf. K. RAHNER, L'homme à l'écoute du Verbe, p. 270)
[123] K. RAHNER, L'homme à l'écoute du Verbe, pp. 200-201
[124] K. RAHNER, L'homme à l'écoute du Verbe, p. 266
[125] K. RAHNER, L'homme à l'écoute..., p. 203
Theo M.A. BAILLY, op. cit., từ ngữ HISTORIA:
Lịch sử là điều con người tìm hiểu và khám phá rồi kể lại. Như vậy, nếu con người chỉ nhìn biến cố như những gì tình cờ chứ không do một lý trí hay một hành vi của hiện hữu tự do (cố ý) thực hiện, thì biến cố đó đâu có ý nghĩa gì.
Với người Do Thái, biến cố lụt hồng thủy có nghĩa vì nó được nhìn như hành động của hiện hữu tự do là Thiên Chúa.
Trong Linh Thao số 102. 111, thánh Ynhã gọi là lịch sử những gì đức tin cho biết về những quyết định của Thiên Chúa.
[126] vì là hành động của hiện hữu tự do.
[127] Lịch sử dân Do thái thực sự đã là lời để dân Do Thái nhận biết Thiên Chúa và ý định của Ngài trên dân. Các tiên tri là những người đã đọc được các lời này một cách rõ nét và đã loan báo lại cho dân.
Những biến cố lịch sử nhân loại, do con người là những hữu thể tự do thực hiện, đã trở thành lịch sử mang tính thần linh, là lời thần linh giúp con người nhận biết Thiên Chúa.
[128] K. RAHNER, L'homme à l'écoute du Verbe, pp. 220. 88. 94. 97. 99
[129] K.RAHNER, L'homme à l'écoute..., pp. 220-221
S. THOMAE AQ., In Arist. Libr. De Anima commentarium, n. 377: “Cognitio autem omnis fit per hoc, quod coggnitum est aliquo modo in cognoscente, scilicet secundum similitudinem”: tri thức là có cái gì tương tự cái được biết nơi chủ tri.
[130] K. RAHNER., op. cit., pp. 104-105. 225
khả năng phản tỉnh, biết mình và siêu vượt.
[131] K. RAHNER, op. cit., p. 208
K. RAHNER, L'Esprit dans le monde, p. 139
[132] Về lý trí tự do, đức Phật và S.Freud đã nói về trường hợp lý trí bị hủ hóa bởi tư lợi. Xem thêm: LNC., Dẫn Nhập Thần học, ĐL. 38, trg. 25
[133] K. RAHNER, L'homme à l'écoute..., pp. 124-125. 79
[134] K. RAHNER, L' Esprit Dan Le Monde, p. 291 trích dẫn
De Verit., q. 10, a. 8, ad 4:
“Non tamen materiae subditur, ut materialis reddatur”.
De Verit., q. 19, a. l corp.:
“Hoc lumen (intellectuale) non est corpori obligatum”
[135] K. RAHNER, op. cit., pp. 286. 290. 191
[136] hiện hữu này có thể là hiện hữu bất tất đối với hiện hữu tất yếu tuyệt đối.
[137] Thiên Chúa
[138] ý chí đi theo lý trí (voluntas sequitur intellectum).
[139] ST. THOMAE AQUINATIS in Aristotelis Librum De Anima Commentarium, MARIETTI 1959, n. 288:
“Quod quidem dividitur in tria: scilicet desiderium, quod est secundum vim concupiscibilem; et iram, quae est secudum vim irascibilem: qui duo appetitus pertinent ad partem sensitivam: sequuntur enim apprehensionem sensus. Tertium autem est voluntas, quod est appetitus intellectivus, consequens scilicet apprehensionem intellectus” (Lib. II, lect. V, c. III).
[140] Op.cit.,n. 286:
Appetitus naturalis est inclinatio sequens formam naturalem; Appetitus sensibilis est inclinatio quaedam quae sequitur ad formam sensibilem; Appetitus intelligibilis est inclinatio quae sequitur ad formam intelligibilem.
[141] F-J. THONNARD, Précis d’histoire ..., p. 116
[142] K. RAHNER, L’homme à l’écoute du Verbe, p. 156
[143] K. RAHNER, L’homme à l’écoute du Verbe, pp. 155-156
[144] người ta đã lấy khả năng tri thức làm chuẩn đánh giá mức độ hữu thể này.
[145] K. RAHNER, L' Homme à L'écoute Du Verbe, p. 176: 'L'amour est la volonté lumineuse qui veut la personne dans son unicité irréductible'.
[146] Chẳng hạn con người thấy mình có thể ăn hay không ăn, ăn lúc này hay lúc khác, và thậm chí có thể tuyệt thực quyên sinh để bảo vệ hoặc cảnh cáo hay phản đối điều gì đó.
[147] Thiên Chúa đã mặc khải, điều này được nhận biết khi tra vấn lịch sử. Điều này sẽ được làm trong phần mặc khải theo Kinh Thánh.